CHẢ RƯƠI – MÓN THỜI TRÂN XỨ BẮC
“Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mồng năm.”
Câu tục ngữ ấy nhắc nhở một mùa rươi đặc sản xứ Bắc. Rươi là giống nhuyễn thể vùng nước lợ, chỉ xuất hiện cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch nên rất được mong chờ . Nổi tiếng có rươi Tứ Kỳ (Hải Dương), rươi Kiến Xương (Thái Bình). Rươi chế biến được nhiều món như hấp, kho, nhưng ngon nhất vẫn là chả rươi. Hôm nay ra chợ mua được mớ rươi tươi ngon, mình đãi cả nhà món đặc sản mùa đông.
Rươi tươi có màu xanh nhạt, bò khoẻ. Mua về, bạn sơ chế theo cách truyền thống (dân gian gọi là “làm lông” rươi) là thả rươi vào nước nóng khoảng 60 độ, lấy đũa khuấy nhẹ cho rụng hết lông rươi và đất, sau đó dội qua nước lạnh cho sạch. Không được dùng nước sôi và khuấy mạnh tay vì sẽ làm rươi vỡ bụng, trôi mất chất đạm, chất bổ ngon nhất của rươi theo nước.
Theo kiểu cách Hà Nội, chả rươi gồm rươi trộn với thịt lợn băm (tỉ lệ khoảng 3 rươi:1 thịt), hành lá, thì là xắt nhỏ, thêm tiêu, ớt, trứng gà, mắm ngon hoặc bột canh. Tất nhiên không thể thiếu chút vỏ quýt để làm thơm chả. Mình không kiếm được quýt hôi nên dùng vỏ quýt thường cũng được. Mình còn cho thêm chút lá lốt xắt nhỏ cho dậy hương vị.
Chả rươi rán với lửa nhỏ hoặc vừa, không rán kĩ quá để giữ độ mềm ngọt của chả. Món chả rươi phải ăn nóng, chấm với nước mắm ngon pha chanh ớt, kèm chút rau thơm. Chả béo ngậy vị rươi, thơm mùi tiêu và vỏ quýt, vừa ăn vừa xuýt xoa bởi vị ngon của một thứ thời trân (đặc sản theo mùa) một năm chỉ có một lần.