Tips hay trong bảo quản và sơ chế trước đồ ăn để các bữa ăn luôn đa dạng và nhanh chóng…
Các anh chị em yêu quý ❤️
Vài ngày trước, mình đăng trên group bài viết về Những bữa sáng cầu kì. Mình xin gửi lời cảm ơn đến các anh chị em đã động viên khích lệ. Nhưng thực sự mình nhận được không ít những tranh luận hằn học, cười nhạo việc chuẩn bị những bữa sáng cầu kì như thế.
– Bạn này chắc thức cả đêm nấu ăn cho chồng rồi, có khi ngồi đợi chồng ăn xong mới dám đi ngủ.
– Ăn sáng thế này thì ăn xong đi ngủ là vừa.
– Thế này thì chỉ có chuẩn Osin.
…
Anh chị em yêu quý, thực ra xã hội bây giờ không phải những người phụ nữ vô công rỗi nghề là thường xuyên vào bếp bếp. Công việc bếp núc, chăm lo tổ ấm là bản năng của phụ nữ chúng mình. Mình cũng có 24 tiếng một ngày, có một tiểu công chúa 4 tuổi, một chiếc chồng hiếm khi làm việc nhà và một công ty riêng cùng chồng lăn xả… Nhưng thay vì phó mặc và nguỵ biện lý do bận rộn thì mình có giải pháp. Mình xin mạn phép được bày cho chị em một số tips sơ chế trữ đông thực phẩm, chuẩn bị sẵn đồ ăn chia làm nhiều bữa để mỗi bữa vừa nhanh gọn.
Nấu ăn tưởng là công việc đơn giản nhưng lại cần sắp xếp khoa học để giải phóng sức lao động của phụ nữ chúng mình, thế thì mới vừa được ăn ngon mà lại vẫn còn nhiều thời gian để sang chảnh nữa.
Mong chị em luôn nhìn nhận mọi câu chuyện một cách tích cực và hoà bình. Phụ nữ chúng mình, từ khi sinh ra dù thế nào cũng có những thiệt thòi… vậy huống gì lại không đồng cảm mà còn vô tình dùng những lời lạnh lùng sát thương nhau đúng không? ❤️
Mình ghi chi tiết các mẹ hay trong từng ảnh nhé ạ!
Mẹo trữ đông thịt luôn tươi mới…
1. LÀ PHẢI CÓ LÁ CHUỐI HOẶC LÁ DONG
Lá chuối này mình đi tỉa trộm (cái này thì hên xui) hoặc thỉnh thoảng ở chợ chỗ mình cũng bán nữa. (Nếu chị em trong nội thành không kiếm được thì đành bỏ qua)
2. SƠ CHẾ THỊT
Công đoạn này chắc mọi người đều biết cả rồi. Mình thì chia thịt ra từng miếng đủ mỗi bữa. Rửa nước lạnh – rửa với nước muối pha dấm loãng – ngâm nước muối – và rửa lại bằng hai lần bên vòi nước ấm.
3. QUAY RÁO THỊT
Bước này mình nghĩ là bắt buộc nhưng đa số lại bị mọi người bỏ qua. Thịt được quay thật ráo nước, khi cấp đông sẽ không bị đóng tuyết bao quanh. Lúc rã đông, miếng thịt không chảy nước đỏ lõng bõng, trông rất là mĩ quan và có cảm tình.
4. CHIA THỊT
Gói từng phần thịt vào một lớp lá và cho vào hộp. Mỗi phần thịt là đủ cho một bữa. Ăn bữa nào thì lấy ra rã đông bữa í, không hề bị nhiễm khuẩn chéo hoặc bị ảnh hưởng đến các phần khác trong tủ.
5. ĐÓNG HỘP VÀ DÁN NHÃN
Để mỗi lần nấu cơm không phải lộn tung tìm thịt thì cần phải đặt tên cho em nó. Ghi tên loại thịt và ngày tháng vào cái tem nhỏ rồi dán ngay ngắn lên nắp hộp. Lúc mở tủ ra sẽ thấy giống hệt cảm giác vào Meat Deli nghĩ xem hôm nay sẽ nhặt hộp nào )
Vài tips nhỏ như thế thôi là mình đã trữ ngon lành gần 10 cân thịt lợn trong tủ đông… Nếu trừ khả năng quá nhọ mà bị cắt điện liên tục hai ngày thì không nói chứ cứ làm theo đúng như này, đảm bảo thịt sẽ tươi ngon đến tận phần cuối cùng ạ.
Mình mua các thực phẩm chế biến sơ và chia nhỏ vào các hộp theo nhu cầu từng bữa.
Cháo mình thường ninh một nồi và cũng chia vào các hộp, trữ đông.
Giò sau khi rã đông hoàn toàn hấp liu riu lửa trong xửng hấp, không để nước sôi bùng lên. Giò thơm ngon, mềm như mới.
Suất bún cá mình chuẩn bị một lần ăn được nhiều lần.
Nếu có dự định ăn bún cá thường mình sẽ mua con cá thật to, chiên một tô cá đầy và chia ra từng hộp.
Mình hầm luôn một nồi nước dùng cốt và cũng chia từng phần sẽ nấu.
Những đồ có thể bảo quản tủ đông như nước dùng và cá mình sẽ làm một lần và cất ngăn đông.
Tối hôm trước, lúc nấu cơm tối là nhặt rau, rửa sạch, quay ráo xong thì cất hộp để tủ mát.
Trước khi đi ngủ thì chuyển các hộp nước dùng và cá xuống ngăn mát để rã đông . Thế là sáng hôm sau đã có thể nấu vài tô bún cá ngon lành mà nhanh chóng rồi.
Nếu thích thì ngồi lề mề, lan man chuyện trò là lâu thôi 😁
Nem mình cũng tranh thủ những ngày cuối tuần, cuốn một thố đầy nem rồi chiên sơ, chia từng phần nhỏ vừa ăn và trữ đông.
Mỗi lần muốn ăn là lấy từng hộp rất tiện lợi hơn nữa lại nhanh chóng xuất sắc😄