MỤC LỤC NỘI DUNG
Phần tâm sự…
VỊ TẾT KHI TRƯỞNG THÀNH
Thuở bé thơ, mình luôn mong đến Tết. Mặc dù hơi tủi thân khi mâm cơm ngày Tết thiếu bàn tay mẹ, nhưng nó vẫn là một điều gì đó thật đặc biệt. Có bánh kẹo, có quần áo mới, có bao lì xì.
Sau này, khi đã lớn, mình vẫn tiếp tục mong chờ Tết. Không phải vì bánh mứt hay tiền mừng tuổi nữa, mẹ cũng đã ở bên, mà vì thời khắc giao thừa sẽ thay mình khép lại 1 trang cũ của cuộc đời. Những niềm vui, nuối tiếc hay cả sai lầm,… tất cả sẽ ngủ yên để sau Tết ta lại đầy cảm hứng bước sang một trang mới.
Tết với người trưởng thành thường vội vàng khi đi làm đến tận những ngày cuối, ngọt ngào với những thành tựu nhỏ xinh, đôi lúc là mặn chát khi cô đơn đón năm mới ở một nơi xa, cũng có khi đắng ngắt vì vừa bước qua một trang cũ đầy tổn thương và gạch xoá lằng nhằng,…
Nhưng sau tất cả, mùa xuân sẽ vẫn đến. Hoa nở, mưa bụi bay, năm mới, chặng đường mới. Năm tháng cuối cùng cũng chỉ là những con số, hành trình của ta sẽ lại được bắt đầu.
NHỜ CÓ TẾT ❤
Ngày Tết sẽ vẫn giữ nguyên ý nghĩa của nó ngay cả khi ta đã trưởng thành, vẫn là khoảnh khắc tạm biệt những gì đã qua, là lúc ta tìm về với gia đình, người thân và đôi khi là với chính bản thân mình để có thêm sức mạnh bước tiếp trong năm mới.
Phần Công Thức
từ một baker từng bán cả tạ mứt dừa 🙂
Tết năm 26 tuổi làm mẻ mứt dừa hồi tưởng lại Tết năm 19 tuổi, cái Tết cực ngọt ngào khi là một trong những người đầu tiên bán mứt dừa homemade ở Hà Nội và kiếm được kha khá tiền để mua quà cho bà và ba mẹ.
Nguyên liệu :
500gram cùi dừa
200gram đường cát trắng ( cho người thành thạo, 250-300gram cho người mới làm)
Cách làm :
1. Nạo dừa thành sợi, chọn dừa bánh tẻ không quá non không quá già, cùi dày.
2. Sau khi nạo cho ngay dừa vào chậu nước lớn, lấy tay khuấy, bóp nhẹ nhàng cho dừa ra bớt dầu và làm liên tục khoảng 3 lần tới khi nước trong veo thì vừa đạt.
3. Vớt dừa ra để ráo nước, tầm 10-20 phút, để ráo tự nhiên không tác động lực mạnh vì dễ làm đứt gãy sợi dừa mất thẩm mỹ
4. Cho dừa vào bowl hoặc nồi hoặc chậu,… bất cứ thứ gì sâu lòng để đựng dừa và đổ đường vào. Trộn nhẹ nhàng và bọc nilong khoảng 3 tiếng.
LƯU Ý :
Nếu muốn nhuộm màu tự nhiên và cho mứt dừa có thêm vị, ta thêm vào bước “ướp dừa” này.
Dù là mứt cacao, cà phê, trà xanh, chanh leo, lá nếp, hay gấc,… đều thêm hỗn hợp dạng lỏng ( pha bột vào nước rồi đổ vào chứ không đổ trực tiếp bột).
Lượng nước hỗn hợp đổ vào không quá 15% lượng đường ( ví dụ công thức này là khoảng 30gram nước hỗn hợp)
5. Sau 3 tiếng ngâm, sau khi đường tan hết thì đặt nồi lên bếp đun ở lửa trung bình cho nước bay hơi và đường sệt lại. Hạn chế khuấy tối đa để nước bay hơi tự nhiên, tránh làm gãy vụn sợi dừa. Hạ lửa nhỏ dần khi nước cạn dần.
6. Khi đường đặc lại, vặn lửa nhỏ tối đa và bắt đầu đảo nhẹ tay. Đến khi đường kéo sợi được thì tắt bếp.
Cho ra ngoài bếp, đảo tiếp và tách sợi để các sợi dừa đều ngấm đường. Đảo nhẹ nhàng tới khi đường khô, kết tinh lại và tạo thành lớp bột phủ lên sợi mứt.
Đổ tất cả ra 1 mặt phẳng, để khô và nguội rồi đóng gói, cho vào hộp kèm hút ẩm. Bảo quản nơi khô mát dùng được 2-3 tuần.
Chúc các bạn thành công!