Tâm Sự – Tôi đã yêu bếp như thế nào


Tôi đã yêu bếp như thế nào
Mình cứ do dự mãi trước khi viết bài này, bởi vì biết rằng có những điều giữ riêng cho mình sẽ luôn là đẹp nhất. Nhưng mình đã nhận được rất nhiều sự tử tế chân thành, được chia sẻ những điều tích cực từ chị Phan Anh, từ những người lạ mà quen trong group, nên mình nghĩ biết đâu đấy một phần câu chuyện của mình cũng có thể là một điều nhỏ bé lan toả tới ai đó đang cần. Nếu bạn không ngại dài thì kéo xuống đọc tiếp về cô gái thiết kế mấy thứ dễ thương, “nhà có nuôi một anh chồng” cũng dễ thương chẳng kém mà bạn từng tình cờ lướt qua nha. Còn nếu muốn làm mấy chiếc bánh quy Totoro xinh xắn kia thì hãy xem ở ảnh nhé!

Mình đã từng rất ghét bếp, mà không, đúng hơn là sợ bếp. Mẹ mất khi mình gần 9 tuổi, bố lấy vợ mới (điều mà một đứa bé là mình ngày đó thực sự chẳng hiểu tại sao người lớn xung quanh mình ai cũng cho đó là điều-đương-nhiên), từ đó chị em mình bắt đầu phải làm việc nhà. Từ một con bé “nhiễu nhương” – sáng nào bạn sang rủ đi học cũng phải chờ mình phụng phịu vừa ăn vừa được mẹ chải tóc cho, mình chuyển sang nếp sống mới – ngày nào cũng được gọi dậy từ 4:30 sáng. Việc đầu tiên trong ngày là cắm một nồi cơm, mình nhớ như in là hôm nào mình cũng mất cả vài chục phút để lết từng bậc thang từ trên nhà xuống tầng dưới – vừa bò từng bậc vừa khóc vì buồn ngủ. Thế nên cơm sáng nào cũng khi sống khi chín, khi nát khi khô, nếu không ăn thì nhịn đói đi học, việc quên cắm dây hay ấn nút nồi cơm là chuyện bình thường. Bếp gas trong căn bếp chính không được dùng nữa, phải học cách dùng bếp củi dựng tạm ngoài sân sau, trời khi nắng khi mưa, mỗi lần nhóm bếp là một lần khóc, khóc vì sặc khói, khóc vì nhóm mãi không được, khóc vì chẳng biết làm gì nhưng vẫn phải làm cho xong, khóc vì sợ muộn học, khóc vì nhớ mẹ… Việc nhà hay nấu ăn với mình khi đó giống như là một nghĩa vụ, mình ghét nó, và nó cũng ghét mình. Đã nhiều lúc mình cũng ghét luôn cả bản thân mình nữa, mình ghét làm con gái.
Nhiều năm trôi qua, đếm không biết bao nhiêu lần chuyển chỗ ở, cứ lặp đi lặp lại việc bà nội đón vào ở với bà, rồi lại phải về nhà, rồi bà lại đấu tranh bằng được cho cháu ở với bà… còn có cả ông bà ngoại nữa, chị em mình cũng lớn lên và tự lập dần. Dù bao chuyện xảy ra, nhưng có tình thương của ông của bà, mình đã luôn giữ được cho mình niềm tin vào những điều tốt đẹp, rằng nhất định ngày mai sẽ đến và mọi chuyện nhất định sẽ ổn thôi, giống như cách mình luôn chọn đọc những câu chuyện, xem những bộ phim mà kết thúc có hậu để tự an ủi mình. Mình sợ đọc những câu chuyện buồn (đến tận bây giờ vẫn vậy), và mình cũng sợ nói về chuyện buồn của mình. Mình thích những thứ tích cực, dễ thương và luôn muốn mình được bao quanh bởi những năng lượng ấy. Mặc dù vậy, vẫn có một ngăn trống trong tim mà mình không thể chia sẻ hết với bất kì ai, chỉ cho đến khi gặp chồng mình – một người bạn, một người đồng hành đặc biệt, mà ngay cả khi trò truyện hay im lặng thì mình đều cảm thấy dễ chịu như nhau.
Chúng mình bắt đầu yêu nhau vào mùa hè trước khi bước sang năm cuối đại học. Hồi ấy mình bận túi bụi đi học đi làm, mặt mũi lúc nào cũng sưng húp vì thiếu ngủ và nổi dày đặc mụn, chắc chắn đấy là thời điểm mình xấu xí và đối xử với bản thân mình tệ nhất. Nếu mình tự ti về mình bao nhiêu, thì anh cho mình thêm những tự tin bấy nhiêu, mỗi khi mình than thở về những khuyết điểm của bản thân, anh thường bảo nếu em không yêu bản thân em, thì sao em có thể chấp nhận một người tuyệt vời như anh yêu em được (thật, dịch nguyên văn từng chữ ý, chồng mình thích được người khác khen đẹp – nếu người ta không khen thì cũng tự khen mình luôn). Thế là từng chút từng chút một mình đã hiểu ra một điều ‘có vẻ rất sáo rỗng’ vì ai cũng nói nhưng lại chính là chân lý, rằng nếu mình không yêu chính bản thân mình, thì làm sao mình có thể yêu người khác và để người khác cũng yêu mình.
Rồi bọn mình cưới nhau, trong tay chẳng có gì nhưng cũng chẳng sợ gì (nghĩ lại thì đấy chắc chắn là tinh thần của những sinh viên mới tốt nghiệp các bạn ạ!). Nếu như ở Việt Nam lúc nào cũng có thể về ăn cơm với ông bà hoặc có chị có em nấu cho ăn, thì về Pháp sống với bố mẹ chồng lại được bố mẹ lo cho cả hai đứa từng chút một, vì thế cuộc sống người lớn của chúng mình chỉ thực sự bắt đầu khi có việc làm và chuyển ra ở riêng. Không rõ vì yêu đối phương nên cả hai cùng chia sẻ với nhau việc nhà, hay chia sẻ việc nhà để thể hiện tình yêu của mình với đối phương, nhưng chắc chắn là ngoài việc san sẻ kinh tế, vật chất, tình cảm, đi du lịch cùng nhau v.v… thì những lúc cùng làm việc nhà chính là lúc yêu thương đi lên nhiều nhất. Chồng mình từ một cậu con trai 5 năm trời đi học xa nhà chỉ ăn pasta và sandwich, cuối tuần mang quần áo bẩn về cho mẹ giặt, đã bắt đầu làm mọi thứ từ lắp giường tủ đến rửa bát lau nhà kiêm dọn dẹp giặt là quần áo – đến bố mẹ chồng cũng phải bất ngờ. Còn mình từ một đứa sợ vào bếp, sợ nấu ăn, cũng bắt đầu mày mò tập nấu những món ăn giống-như-ngày-xưa-bà-nấu, điều mà chính mình cũng bất ngờ về bản thân.
Khi nấu ăn, mình không còn nhớ là mình đã từng khóc mỗi khi phải vào bếp như ngày còn bé nữa, mình chỉ nhớ về những mảng ký ức tươi đẹp mà mình đã có với bếp: nhớ ra mẹ luôn có một vài cuốn “sổ tay các món ăn ngon”, mỗi tuần mẹ lại thử làm một món mới; nhớ bà nội tỉ mỉ trong chuyện ăn uống, bà dạy đặt muôi ở bát canh thế nào, ăn uống nhỏ nhẹ lịch sự khi nhai không phát ra tiếng ra sao; nhớ ông ngoại là người luôn chờ mình khen các món ăn ông nấu thật ngon, rồi sẽ bảo mấy đứa em mình là “chị NA đã khen ngon thì món đó nhất định ngon” nên ông không nghe chúng nó nhận xét nữa; nhớ bà ngoại mà chỉ cần cháu gọi điện muốn ăn món nào thì hôm sau về sẽ chắc chắn cả tủ lạnh của bà chỉ toàn món ấy; nhớ cả bố mình nữa – người đi công tác xa mỗi năm chỉ về phép 1,2 lần, mỗi lần bố về thể nào mẹ cũng thả lỏng cho cả nhà được ăn đêm, mình đã chẳng còn giận bố tẹo nào giống như ngày bé viết bao nhiêu quyển nhật ký mà quyển nào cũng nhoè nhoẹt nước mắt mà đi bất cứ đâu mình cũng mang theo; nhớ cả những kỉ niệm nhí nhố, vui buồn với chị em, bạn bè mỗi lần tụ tập cùng nhau nấu nướng ăn uống… Việc vào bếp vốn là nỗi ám ảnh của một đứa bé ngày nào bỗng trở thành một thứ xoa dịu tâm hồn, giúp mình thương mình nhiều hơn, hiểu mình nhiều hơn, giúp mình yêu và hiểu cả người thân của mình nữa. Rồi dần dần nó lớn thành tình yêu, để từ căn bếp này chúng mình viết tiếp những trang nhật ký mới, những điều ấm áp mới mà sau này cũng sẽ trở thành mảng ký ức tươi đẹp của cả nhà.
Thầy giáo dạy toán cấp 2 của mình thường nói “vận may cũng chính là một năng lực”, chính vì thế mà trong những khoảng thời gian khó khăn mình đã luôn tự nhủ với bản thân rằng “nếu mình chưa gặp may, thì tức là mình cố gắng chưa đủ” rồi lại tiếp tục cố gắng làm một phiên bản tốt hơn của chính mình – chứ không bao giờ ước ao mình được trở thành người khác. Mình chấp nhận rằng cuộc sống nào cũng có cả buồn cả vui, nhưng nếu được chọn thì hãy chọn điều mà cuối cùng cộng trừ hết khổ đau sẽ giữ lại cho mình hạnh phúc. Và niềm tin cũng là một sự lựa chọn. Mình tin cho đến giờ mình đã gặp rất nhiều may mắn, vì được sinh ra làm con gái của bố mẹ mình, có ông bà, có chị có em, may mắn vì gặp được người mình yêu, được làm điều mình thích, được làm mẹ của con gái mình, may mắn vì mình đã biết yêu bản thân mình.
Nếu bạn đã đọc đến đây rồi, mình hy vọng bạn cũng sẽ gặp thật nhiều may mắn và học được cách yêu bản thân trong mọi hoàn cảnh, ít nhất là đủ để có niềm tin vào những điều tốt đẹp. Mong rằng thử thách này của Yêu Bếp sẽ không đơn thuần chỉ là một “cuộc thi trên mạng”, mà sẽ là nguồn cảm hứng, là một sự khởi đầu cho những điều tích cực giống như những gì mình tìm thấy ở Yêu Bếp trong suốt 2 năm qua
#LoveYourself #MượnBếpYêuMình #HeForSheAtHome #Thửtháchtháng5 #YêuBếp #EsheepKitchen

Tâm Sự - Tôi đã yêu bếp như thế nào 1
Tâm Sự - Tôi đã yêu bếp như thế nào 2
Tâm Sự - Tôi đã yêu bếp như thế nào 3
Tâm Sự - Tôi đã yêu bếp như thế nào 4
Tâm Sự - Tôi đã yêu bếp như thế nào 5

Tâm Sự - Tôi đã yêu bếp như thế nào 6 Tâm Sự - Tôi đã yêu bếp như thế nào 7 Tâm Sự - Tôi đã yêu bếp như thế nào 8 Tâm Sự - Tôi đã yêu bếp như thế nào 9


Share:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *