[Công Thức] Cách nấu MÓN GIẢ CẦY NGHỆ AN – Có gì khác ?


[Công Thức] Cách nấu MÓN GIẢ CẦY NGHỆ AN - Có gì khác ? 1
Nấu MÓN GIẢ CẦY NGHỆ AN CÓ GÌ KHÁC LẠ???
Vẫn biết “Giả cầy” là món ăn không chỉ có ở Nghệ An, giả cầy quen thuộc nhất từ miền Trung ra Bắc với những tên gọi khác nhau như “Nhựa mận” “Rựa mận” “Rượu mận” tuỳ phương ngữ!
Về nguyên liệu chính của món Giả cầy thì vẫn là Thịt lợn/thịt heo, thêm các gia vị đặc trưng như riềng, sả… Ấy vậy mà mỗi vùng miền mỗi khác!
Mình từng ăn món Nhựa mận miền Bắc, cách nấu và vị khác lắm. Vị riềng nổi rõ và có màu vàng của Nghệ, thành phẩm miếng thịt có riềng xay nhỏ bám quanh, màu sắc khá nhợt, vị cũng nhạt!
Mình vẫn yêu thích món Giả cầy của đất Nghệ hơn
Vị đậm đà và màu sắc đẹp. Đó là đặc trưng của Giả cầy Nghệ An!
Là một tín đồ của món ăn truyền thống, hôm nay mình sẽ giới thiệu với cộng đồng Yêu bếp cách để nấu món giả cầy Nghệ An ngon như hình nhé ^^
  • Nguyên liệu:
– 1kg thịt chân giò lợn ngon (Tại sao phải nhấn mạnh là lợn ngon lợn sạch? Bởi vì chất lượng thịt tươi ảnh hưởng đến mùi vị món ăn lắm lắm). Như trong hình là mình dùng thịt lợn mạ – là thịt lợn cái già đã đẻ nhiều lứa. Loại thịt này rất dai, lớp da dày như lợn rừng, đòi hỏi thời gian nấu lâu hơn nhưng lại là nguyên liệu cho món ăn cực kỳ ngon
– 100gr riềng củ tươi (Chọn loại bánh tẻ là được, không quá già và không quá non)
– 50gr củ sả tươi
– 50ml mật mía Nghệ An (nó tương đương tầm 1/2 bát thường dùng ăn cơm)
– 15ml nước mắm ngon (Nó tương đương tầm 3 thìa cơm)
– 1 thìa ăn cơm đầy đường cát nâu hoặc đường phèn từ nhiên giã nhỏ
– 1 thìa cơm mắm tôm ngon (Quê em gọi là ruốc hôi ạ ^^)
– 2 thìa cơm đầy mẻ (Mẻ này phải ngấu chua kỹ rồi nhé ạ)
  • Cách chế biến:
– Đầu tiên thịt chân giò cần được làm sạch sẽ, chân giò nên lấy nguyên chân to từ trên bẹn xuống cả móng giò. Nếu không thích…gặm xương thì mình có thể lọc bỏ xương đi. Sau đó đem nướng sơ thịt trên bếp lửa, tốt nhất là lửa than củi, nếu không có thì trực tiếp trên lửa bếp ga cũng được (thao tác này quê mình gọi là thui thịt ^^). Mục đích của công đoạn này là làm cho lớp da săn lại có màu vàng nâu, nên mọi người lưu ý nướng tập trung phần da nhé ạ.
Sau khi nướng săn vàng da thì cạo bỏ những phần trót bị sém và đem thái miếng bao diêm vừa ăn.
– Riềng củ tươi thái lát mỏng hoặc thái chỉ tuỳ sở thích. Tuyệt nhiên không xay nhỏ ^^
– Sả thái mỏng và băm nhỏ một phần
– Đường nâu cho vào nồi chưng làm nước màu nâu đậm
– Cho tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị và sơ chế ở trên vào nồi và đảo đều cho ngấm. Ướp trong khoảng 45 phút đến 1 tiếng, trong quá trình đó đảo đều 2-3 lần.
– Sau khi ướp, cho lên bếp đun lửa lớn cho sôi, đảo đều tay cho thịt ra nước và ngấm gia vị, săn lại thì cho thêm nước sôi nóng xâm xấp mặt thịt và đun sôi nhỏ lửa
Cứ thế đun liu riu cho đến khi thịt mềm sẽ cho ra thành phẩm như hình. Lúc này lớp da lợn sẽ chuyển màu trong như gân, mềm mà vẫn dai dẻo với vị thịt đậm đà vị mặn ngọt, thơm mùi của mắm, mật mía, riềng sả vửa đủ. Phần nước có độ sệt do “collagen tự nhiên” trong da lợn tiết ra. Rất đưa cơm ^^
Món ăn này ngon nhất là ăn nóng kèm cơm nóng hoặc bún lứt, thêm đĩa rau sống đơn giản là tròn vị. Mùa đông này ấm áp tình thân
Cảm ơn và chúc cả nhà thành công với món #Thịt #Giả #Cầy #Nghệ #An

[Công Thức] Cách nấu MÓN GIẢ CẦY NGHỆ AN - Có gì khác ? 2

[Công Thức] Cách nấu MÓN GIẢ CẦY NGHỆ AN - Có gì khác ? 3

[Công Thức] Cách nấu MÓN GIẢ CẦY NGHỆ AN - Có gì khác ? 4


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *