Cách làm BÁNH XÈO CỦ HŨ DỪA – Món ngon Miền Tây


Cách làm BÁNH XÈO CỦ HŨ DỪA - Món ngon Miền Tây 1

BÁNH XÈO CỦ HŨ DỪA

Tôi luôn có một tình cảm đặc biệt với bánh xèo. Món bánh mà tôi có thể ăn nhiều lần mà không ngán và mỗi lần nhắc đến là thấy thèm trong bụng.
Nhắc đến miền Tây là không thể nào không nhắc đến món bánh xèo trứ danh. Nó là một sự kết hợp thật đặc biệt giữa vỏ bánh bằng bột gạo và nghệ, với nhiều loại nhân bánh và đa dạng các loại rau ăn kèm.

Tôi đã đôi lần viết về món bánh xèo này, nhưng lần này tôi sẽ giới thiệu đến các bạn món bánh xèo được làm từ nhân củ hủ dừa. Với tôi và nhiều người, đây là một loại nhân vô cùng quý giá trong tất cả các loại nhân của bánh xèo.

Nhắc đến dừa, có lẽ mọi người sẽ nghĩ đến đến vùng đất Bến Tre. Đây đúng là vương quốc của dừa vì dừa được trồng rất nhiều ở Bến Tre, tuy nhiên dừa không chỉ được trồng nhiều ở Bến Tre mà cây dừa còn là một loại cây quen thuộc và gắn liền với đời sống của người dân miền Tây.

Cây dừa có rất nhiều công dụng đối với đời sống của người dân miền Tây, trái dừa tươi thì để uống nước; dừa khô thì lấy nước cốt làm bánh, làm kẹo; lá dừa, vỏ dừa khô dùng để đốt lửa nấu cơm; lá dừa tươi để gói bánh; thân dừa thì làm được nhiều đồ thủ công mỹ nghệ hay được dùng làm cây cầu dừa…

Đặc biệt, cây dừa có một bộ phận được xem là vô cùng quý báu đó là củ hũ dừa (phần non của ngọn dừa). Vì sao nó là phần quý báu nhất? Vì mỗi cây dừa trưởng thành (từ 2 đến 6 năm) chỉ có một củ hũ dừa, nếu thu hoạch phần củ hủ dừa thì phần ngọn không thể tiếp tục mọc lên và cây dừa sẽ chết. Vì vậy, củ hũ dừa được xem là một trong những phần quý báu nhất của cây dừa.
Củ hũ dừa rất ngon và được dùng làm nguyên liệu cho rất nhiều món ăn, trong đó phải kể đến món gỏi củ hủ dừa và bánh xèo củ hũ dừa. Củ hủ dừa giòn và có vị ngọt tự nhiên, nó kết hợp với tôm, thịt (heo, vịt) làm nhân của bánh xèo thì mang đến một nét rất đặc trưng cho món bánh xèo.

Nhớ lúc nhỏ, cứ đến những dịp đặc biệt, cô chú bác sẽ tề tựu lại nhà của nội và làm món bánh xèo nhân củ hũ dừa cho những dịp xum vầy. Phải là những dịp đặc biệt thì nội mới cho đốn dừa lấy củ hũ để làm bánh xèo. Vì phải mất nhiều thời gian để trồng cây dừa lớn và khi lấy củ hũ thì cây dừa sẽ chết.
Dần về sau này, khi mở rộng diện tích đất canh tác, mở rộng mạng lưới điện, đường xá, giao thông… dừa ở quê tôi không còn nhiều như trước kia, nên rất hiếm khi được ăn lại món bánh xèo nhân củ hũ dừa. Có chăng bánh xèo chỉ được làm từ những loại nhân khác như củ sắn hay giá đỗ.

Dịp này, có người bạn ở Bến Tre có bán củ hũ dừa tươi, mình liền mua một ít và làm món bánh xèo củ hủ dừa và gỏi củ hũ dừa để chiêu đãi mấy đứa em nhân dịp cuối tuần. Mùi vị quê hương ùa về khi ăn cái bánh xèo hay đĩa gỏi với củ hũ dừa giòn rụm và ngọt thanh tự nhiên. Một cảm giác ngon đến khó tả.

Về cách làm bánh xèo, mọi người chỉ cần làm theo cách thông thường và dùng nguyên liệu là củ hũ dừa thái sợi là được. Mình đã từng có bài viết về cách làm bánh xèo của mình, mọi người có thể tham khảo tại link:  https://nghienbep.com/cach-lam-banh-xeo-mien-tay.html

Nhưng với nhân củ hủ dừa thì mình chế biến có phần hơi khác một chút:

NGUYÊN LIỆU:

– 1 gói bột bánh xèo pha sẵn 500g;
– Củ hũ dừa;
– Tôm, thịt ba chỉ;
– 02 quá trứng vịt;
– Nước cốt dừa
– Gia vị và rau ăn kèm.

CHẾ BIẾN

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

– Làm sạch tôm, thịt. Thái tôm và thịt thành miếng vừa ăn.
– Dùng dao hai lưỡi thái mỏng củ hủ dừa thành sợi vừa ăn và ngâm vào nước có pha chanh để tránh bị đen. Sau đó, rửa lại với nước nhiều lần và để ráo nước;
– Rửa rau thật sạch.

Bước 2: Pha bột

Cho gói bột + 500 ml nước cốt dừa + 600 ml nước lọc + Hành lá băm nhỏ + Bột nghệ (nếu muốn bánh vàng hơn) + 02 quả trứng vịt. Sau đó khuấy đều cho tan bột và để bột nghỉ từ 30 phút.
Có thể cho thêm chút bia để bánh xèo giòn lâu hơn, ở đây mình làm ăn liền nên không cho bia.

Bước 3: Làm nhân

Phi thơm tỏi, cho thịt vào xào trước khoảng 5 phút, rồi cho tôm vào xào chung. Nêm nếm gia vị (đường, muối, nước mắm, hạt nêm) cho vừa ăn. Sau đó, để phần nhân thịt và tôm xào này ráo nước.
Phần này, không nên cho củ hũ dừa vào xào chung vì sẽ làm mất đi độ giòn của củ hũ dừa.

Bước 4. Chiên bánh

Để thật nóng chảo, quét dầu cho đều lòng chảo, cho khoản 1 bát ăn cơm bột vào chiên. Sau đó, cho củ hủ dừa và tôm thịt vào bánh. Để bánh chín thật giòn thì có thể dùng được.

Bước 5. Pha nước chấm

Tuỳ theo sở thích của mỗi người mà nước chấm có thể pha thành nhiều cách khách nhau. Mình thì pha nước mắm chung với đường, nước dừa tươi và tỏi ớt để cho nước mắm có vị chua chua, ngọt ngọt, mặn mặn.

Bước 6: Bày trí và ăn thôi

Về cách bảo quản củ hũ dừa, nếu mọi người muốn bảo quản củ hũ dừa tươi thì có thể cho củ hũ dừa vào túi hút chân không và để vào ngăn mát tủ lạnh (giữ được từ 03 đến 05 ngày). Khi bảo quản thế này, củ hủ dừa vẫn phát triển, nên nếu để càng lâu thì củ hũ dừa sẽ bị già và mất đi độ giòn và ngọt tự nhiên của nó.
Nếu chưa thử, xin mời mọi người một lần thử các món ăn làm từ củ hủ dừa nhé!

Cách làm BÁNH XÈO CỦ HŨ DỪA - Món ngon Miền Tây 2
Bánh xèo mình thích ăn kèm với nhiều loại rau: Cải xanh, lá cóc, lá cách, lá xá xị …

Cách làm BÁNH XÈO CỦ HŨ DỪA - Món ngon Miền Tây 3 Cách làm BÁNH XÈO CỦ HŨ DỪA - Món ngon Miền Tây 4

Cách làm BÁNH XÈO CỦ HŨ DỪA - Món ngon Miền Tây 5
Củ hủ dừa trắng nõn nà
Cách làm BÁNH XÈO CỦ HŨ DỪA - Món ngon Miền Tây 6
Còn dư củ hủ dừa làm thêm đĩa gỏi!
Cách làm BÁNH XÈO CỦ HŨ DỪA - Món ngon Miền Tây 7
Giòn rụm nha!
Cách làm BÁNH XÈO CỦ HŨ DỪA - Món ngon Miền Tây 8
Ở đây có rất nhiều loại rau: Diếp cá, quế, cải xanh, cải xà lách, xá xị, đinh lăng, lá lụa, lá cóc…

Cách làm BÁNH XÈO CỦ HŨ DỪA - Món ngon Miền Tây 9

Cách làm BÁNH XÈO CỦ HŨ DỪA - Món ngon Miền Tây 10


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *