Tìm hiểu về Hương Thảo


Tìm hiểu về Hương Thảo 1

#suthatvehuongthao #rosemary

Lưu ý: Các bạn hãy chuẩn bị tinh thần đón nhận những kiến thức đi ngược với nhiều chia sẻ các bạn đã được nghe về hương thảo trên Yêu Bếp trước đây đi nhé ) Đáng ra tớ không định chường cái mặt lên đây đâu nhưng mà thấy nhiều kiến thức sai cơ bản mà lại được nhiều bạn ở đây coi như kim chỉ nam để làm theo (vài trăm lượt chia sẻ, vài nghìn lượt thích và bình luận) nên tớ không thể chịu được nữa và phải lên tiếng vì cứu 1 mạng cây là … tiết kiệm cho các bạn được 1 đống tiền )))

Tớ trồng hương thảo mới được 1 năm thôi nhưng thành tích là không chết em nào cả. Trước khi trồng bất cứ cây gì tớ đều đi tìm hiểu hết tất cả các đặc điểm sinh học của cây, đọc đủ các loại hướng dẫn từ tây đến ta (với hương thảo thì là tây thôi, bài viết về hương thảo của các shop bán cây hiện nay rất nhiều lỗi sai và hương thảo là cây gốc phương tây nên tớ tin hướng dẫn của các web và youtube nước ngoài hơn) và thực hành rồi rút ra kinh nghiệm. Vì vậy, riêng về hương thảo, tớ có thể tự tin là những kiến thức chia sẻ sau đây đều dựa trên cơ sở khoa học và thực nghiệm chứ không phải võ đoán vớ vẩn. Bạn nào thích kiếm chứng thì có thể tự google các bài viết tiếng Anh và xem thêm youtube. Nếu cần thiết thì có thể tham gia các nhóm chơi hương thảo xem các cao nhân ở trong đó nói gì nhé. Giờ thì vào phần chính.

1. Đất – Giá thể

Hương thảo là cây có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, nơi có khí hậu lạnh/mát và khô (giống Đà Lạt) nên có đặc điểm là chịu hạn tốt, rễ không chịu được sũng nước. Hương thảo sau khi đã thuần khí hậu và già cây thì rất trâu bò, lúc đó thì nắng 40 độ cũng vẫn trơ mặt ra )

Như đã nói ở trên, hương thảo là cây sống ở khí hậu khô nên rễ cây được cấu tạo để tìm được nước trong đất khô hạn, ít nước. Việc này dẫn đến nếu dùng đất sét, dính, giữ nhiều nước như đất trồng rau bình thường thì cây sẽ bị úng rễ và lăn ra chết. Đây có lẽ là lỗi phổ biến nhất dẫn đến chết cây. Dấu hiệu của úng rễ là cành cây héo rũ xuống VÀ lá đen sì, thường bị nhầm với việc cây thiếu nước Đó là do đất bít rễ, rễ bị “chết đuối”, không thở được nên tẻo. Nếu cây chỉ thiếu nước thôi thì lá sẽ co lại, hơi héo nhưng không đen, nhánh chính vẫn tươi và thẳng, chỉ cần tưới đủ nước là cây sẽ hồi lại.

Vậy xử lý cây như thế nào khi mua về?

Nếu bạn không cần ra chậu to hơn so với bầu cây sẵn, bạn không cần thay đất. Đất nhà vườn họ trồng là chuẩn nhất rồi, không cần thay. Nhưng do bầu ươm ít đất nên nếu ko ra chậu thì cây sẽ chậm lớn. Với cây to thì ra chậu càng sớm càng tốt do cây to cần nhiều đất. Việc giữ nguyên đất áp dụng cho cây Đà Lạt còn hiện nay trên thị trường có loại hàng Bắc to đánh từ ruộng lên, đất thịt nặng khi chuyển sang trồng chậu thường cây sẽ chết sau 2-3 tháng )) Loại này thì cần thay đất ạ.

Nếu bạn cần ra chậu to và thêm đất thì sẽ phải xử lý để đất THOÁT NƯỚC TỐT. Để đất thoát nước tốt thì cần trộn đất trồng thường với các thành phần làm tơi xốp đất. Đất thường các bạn ra tiệm cây hỏi đất giá thể cho cây cảnh, màu đen, nhiều mùn tơi, giá 25-35k/10kg, tuỳ hãng. Tuyệt đối không mua đất tribat vì nó siêu dính và siêu giữ nước. Đất đạt chuẩn thoát nước tốt là đất mà các bạn tưới nước thấy nước chảy ra luôn ở đáy chậu rất nhanh. Nếu thấy đất ngấm nước từ từ là không đạt yêu cầu. Đáy chậu phải có lỗ thoát nước và lót 1 tầng than hoa hoặc gạch vụn, đá to để chống tắc lỗ thoát nước và chống úng rễ. Nếu không lót chậu, khi sang chậu có thể úp ngược bầu ươm nhựa rồi lót ở đáy chậu để ngăn đất chèn kìn lỗ thoát nước và tạo khoảng không cho nước chảy xuống. <<< cách này học được trên Youtube, một cách hạn chế rác nhựa của bầu ươm cây ạ.

Khi sang chậu thì bê nguyên cả bầu đất cũ sang sao chi ít bị đứt rễ nhất có thể (trừ loại cây đánh ruộng thì phải rũ bớt cái đất sét nặng đi)

Trấu hun là thành phần dễ kiếm và rẻ để làm tơi đất.

Xơ dừa tuy là một thành phần giữ nước tốt nhưng nó cũng giúp đất ko bị bết dính nên trộn cùng được, nhưng không trộn quá nhiều.

Dân chơi có thể mua thêm đá perlite (đá trân châu) hoặc đá bọt pumice để tạo lỗ khí ở trong đất

Có người còn khuyên dùng xỉ than. Thực ra thì dùng xỉ than không tốn tiền nhưng tốn thời gian xử lý để thải độc, công dụng tương tự perlite với pumice thôi ạ > Đã từng thử nhưng quá lười

Có người bảo trộn cát, cũng được theo lý thuyết còn tớ chưa thử nên không phán.

>>> Các thành phần làm tơi xốp đất khoảng gấp đôi đất thường. Ngoài ra có thể bổ sung phân hữu cơ và nấm tricoderma phòng bệnh.

Khi trồng, gốc phải được đôn cao ngang miệng chậu hoặc trên miệng chậu một chút. Gốc trồng thấp thì gió không lùa được khô gốc nên cây sẽ bị úng hoặc nấm ẩm gốc mà chết.

2. Nước

Về cơ bản thì hương thảo là cây chịu được hạn và không cần tưới hàng ngày.

TUY NHIÊN, có 1 cái tuy nhiên rất to là nếu bạn trồng ngoài trời thì sao? Mùa mưa tầm tã thì cây có úng mà chết không?

Câu trả lời thực ra quay lại vấn đề 1 là đất. Nếu đất của bạn thoát nước tốt thì bạn tưới hàng ngày, rồi ngày 2 lần cây hương thảo cũng không chết, mưa tầm tã mấy ngày cũng không chết )

Nguyên tắc chung là chỉ tưới cây khi trời mát, sáng sớm hoặc chiều tối. Mùa nóng nên tưới cây vào sáng sớm để cây đủ nước chống lại nắng nóng. Tưới đẫm gốc đến khi thấy nước chảy ra ở đáy. Cây non sẽ cần nhiều ẩm hơn nên cần chú ý nước nôi cho em nó hơn. Cây già thì chịu hạn tốt nên quên 1 hôm cũng không sao.

3. Nắng

Đây cũng là một vấn đề mà mỗi người nói 1 kiểu, người nói cần nhiều nắng, người nói phải để chỗ bóng râm 😀 Thế rốt cuộc là cần hay không cần nắng?

>>> Hương thảo ưa nắng. Không có nắng cây sẽ dặt dẹo, lá đen thui.

Vậy bao nhiêu nắng là đủ?

>>> Theo lý thuyết là 6-8 tiếng nhưng nắng bên tây hay Đà Lạt dù to nhưng nhiệt độ chỉ quanh 30 độ vì thế nên cây có ở phơi nắng cả ngày thì cũng chả sao.

Vậy với điều kiện mùa hè và đầu mùa thu ở Hà Nội thì các bạn nên để cây ở vị trí nào mà đón nắng sớm còn buổi trưa và buổi chiều thì nằm dưới bóng râm (nghĩa là lý tưởng nhất là hướng Đông). Còn mùa đông xuân ít nắng thì cứ vứt ra ngoài trời cả ngày luôn cũng được. Vấn đề nắng cần đặc biệt chú ý với cây non do cây non lá tươi, thân mảnh nên không chống chịu được nắng hạn như cây già đã hoá gỗ (hương thảo bản chất là thân gỗ nha mấy bạn). Khi cây đã lên thân gỗ (màu nâu) thì các bạn cứ để nắng thoải mái nhưng tránh xa cái cục nóng điều hoà nhá ) Em nó chịu được nắng chứ không có chịu được nướng.

Cây già nhà tớ theo thực nghiệm thì phơi nắng hè ngày 6-8 tiếng trên sân thượng không che thì vẫn sống phè phè, nhưng nếu các bạn ghê tay thì cứ làm như tớ nói ở trên là để nơi nắng vài tiếng trong ngày thôi còn lại là nắm trong bóng râm.

4. Gió – Khí

Hương thảo vốn là cây mọc dại ở miền nắng gió nên cây muốn khoẻ cần để ở nơi thoáng khí (vậy mới không nên trồng trong phòng kín đó). Cùng lắm các bạn chỉ nên để ở cửa sổ có nắng gió thôi nha chứ đừng để hẳn trong phòng.

Ngoài ra, các bạn cũng nên chịu khó tỉa cành ở sát gốc để gốc thoáng khí, không gây nấm bệnh. Cành tỉa có thể đem đi nấu ăn luôn (viết đến đây mới thấy có tí ti liên quan đến bếp). Khi mới sang chậu cho cây cũng nên bấm hết ngọn đi do ngọn non thường yếu hơn (lại đem đi nấu). Khi mới sang chậu, rễ còn yếu, ngọn non thường sẽ bị héo hỏng, nhất là khi trời nóng hoặc khi cây mới chuyển khí hậu từ vùng lạnh (Đà Lạt) xuống thành phố. Việc bấm ngọn cũng giúp nuôi thân non mau cứng cáp thành thân gỗ và kích thích cây ra nhiều nhánh mới hơn.

5. Dinh dưỡng

Hương thảo không cần nhiều dinh dưỡng nhưng thỉnh thoảng nên bón thêm cho cây lớn khoẻ. Đơn giản nhất có thể tưới nước gạo. Nước gạo để 3 ngày cho hơi lên men rồi pha loãng ra tưới (tưới trực tiếp được nhưng không tốt bằng nước lên men). Còn đầu tư hơn xíu thì có thể bón phân hữu cơ 1 tháng 1 lần quanh viền chậu. Do hương thảo là cây ăn lá nên các bạn tuyệt đối không bón NPK nhé.

6. Bệnh

Hương thảo vốn dĩ rất ít sâu bệnh. Nếu có thì thường chỉ bị nấm lá do bị ẩm gốc, chỉ cần cắt nước, phơi nắng, để nơi thoáng gió là được. Nếu có bị con sâu ăn lá thì hiếm lắm mới gặp, mọi người có thể phun dung dịch ngâm tỏi ớt pha loãng để trừ sâu hoặc bắt bằng tay nhưng nhìn chung cây này ít sâu bệnh lắm.

7. Nhân giống

Trên mạng hay bán hạt giống hương thảo. Ai định mua thì bỏ luôn ý định đấy đi nhé vì tỷ lệ nảy mầm cực thấp (tiệm cận 0, đã thử) và hai là không bõ công. Nếu bạn đã có cây và muốn nhân giống thì chăm cho cây già, cành hoá gỗ. Cắt lấy cành già, tuốt bớt lá ở dướt rồi giâm vào lọ nước. Thay nước thường xuyên đến khi cành ra nhiều rễ thì trồng vào đất ạ.

Các câu hỏi thường gặp về hương thảo:

1, Hương thảo có trồng trong nhà được không? > Không, hương thảo cần nhiều nắng và thoáng khí. Môi trường trong nhà không phù hợp cho hương thảo. Ngay cả việc để cửa sổ vẫn không đủ để cây phát triển tốt nhưng ít ra thì cũng không chết.

2, Hương thảo có trồng được thuỷ canh không? > Không, trồng thuỷ canh không đủ dinh dưỡng, cây không phát triển tốt. Có thể cắt cành cắm cho thơm nhà thơm cửa, khi cành ra rễ thì trồng ra đất thành cây mới. Về lâu dài thuỷ canh không phải là việc tốt cho cây.

3, Mình thấy đất trong bao sẵn có trộn trấu và xơ dừa rồi, mình có dùng luôn được không? > Không, quan trọng không phải là có hay không có trấu và xơ dừa mà là có bao nhiêu ) Ai mà cứng đầu cứ đòi dùng đất bao đóng sẵn thì xác định bye bye em nó bất cứ lúc nào đi là vừa nhé. Lúc đấy đừng có bắt đền tớ.

4, Mình mua chậu hương thảo nhỏ có sẵn 3-5 gốc, mình tách ra trồng riêng luôn được không? > Không, cây non từ vườn mới về còn nhỏ, tách cây sẽ làm đứt rễ, dễ chết cây. Nên để nguyên như vậy trồng đến khi nào thân hoá gỗ cứng cáp thì mới tách.

5, Hương thảo mình trồng được mấy bữa thấy nó bị thâm thâm, là bệnh gì vậy? > Là bệnh hoá gỗ đó mấy mẹ ) Nếu gốc thâm nhưng lá vẫn tươi thì là hoá gỗ nhá.

6, Mình tưới lên lá có được không, có sợ cây bị úng không? > Xem lại phần giá thể, nắng và gió. Nếu đủ 3 điều kiện thì tưới bao nhiêu cũng được, tưới lá tưới gốc gì cũng chấp hết, tớ còn phơi mưa đây, mưa càng sướng vì không phải tưới cây )

7, Hương thảo của tớ bị xoăn lá, không thẳng, là bệnh gì vậy??? > Bệnh thiếu nắng, vác ra giữa trời nắng phơi mấy hôm là cong cũng phải thành thẳng

Bài viết đến đây là hết. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài ) Ai có câu hỏi gì thì có thể tham gia mấy group Hương Thảo và thảo mộc giao lưu nhé còn bài ở bên Yêu Bếp tớ sợ không trả lời hết được nhưng sẽ cố gắng trả lời nhiều nhất có thể.

Ảnh: Cây nắng mưa toàn phần không che )

Tìm hiểu về Hương Thảo 2


Share:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *