Làm miếng dán tủ lạnh (magnet) bằng đất sét tự khô 🍒🍉🥑🍍🥒🍓🥕
Hôm nay mình gửi tới cả nhà một hướng dẫn làm magnet tủ lạnh đơn giản. Đây cũng là một trò chơi thú vị mà cả gia đình có thể cùng chơi với nhau mỗi ngày nghỉ, đồng thời căn bếp sẽ trở nên tươi mới hơn khi tủ lạnh được khoác trên mình chiếc áo mới đầy màu sắc này.
Đất sét Nhật rất tiện dụng, là một phát minh thú vị của người Nhật – nơi có nghệ thuật gốm sứ phát triển nhưng nguồn tài nguyên khoáng sản lại rất hạn chế. Trước đây mình đã có một bài viết về hướng dẫn nặn đồ chơi cho con bằng nguyên liệu này rồi. Hôm nay mình biến tấu thành các miếng dán tủ lạnh có tính ứng dụng cao hơn, mình cũng có quay một clip hướng dẫn làm magnet hình cầu vồng đơn giản, mọi người xem ở đây nhé: https://youtu.be/CcO1obG8k_I
Sau đây là một vài lưu ý nhỏ:
– Mình dùng đất sét Nhật, có thành phần chính là hỗn hợp bột thực phẩm, keo dán và một số phụ gia đặc biệt. Đặc điểm của loại đất này là sẽ tự khô bề mặt sau khi nặn 10 phút và khô hoàn toàn sau 2 đến 3 ngày tuỳ kích thước sản phẩm và nhiệt độ môi trường.
– Mình mua đất trên mạng, chỉ cần gõ “đất sét Nhật” là ra rất nhiều nơi bán. Mình mua loại đất trộn sẵn màu, bạn cũng có thể mua màu trắng rồi về tự pha theo ý thích bằng cách trộn với màu vẽ.
– Nam châm mình sử dụng là nam châm trắng dạng viên tròn, đường kính 1.4cm, dày 2mm. Mọi người tự search nhé. Một lưu ý là nếu sử dụng các loại nam châm có lực hút mạnh thì khi lên sản phẩm nên bọc trong một lớp đất sét mỏng để giảm lực hút, khiến mỗi lần gỡ magnet ra khỏi tủ lạnh dễ dàng hơn. (Xem thêm ở cuối clip)
– Vì là tạo hình theo phong cách hoạt hình nên không cần chú trọng phải giống hệt củ quả thật. Để tham khảo cách nặn, mọi người có thể search bằng tiếng Anh trên YouTube hoặc Pinterest cụm từ “[tên quả bằng tiếng Anh] clay tutorial”. Ví dụ “grapes clay tutorial” sẽ cho rất nhiều hướng dẫn nặn chùm nho khá dễ và giống thật.
– Hầu hết những thứ quanh ta, củ quả, bánh trái hay đồ vật nếu nhìn theo chiều 2D được tạo thành từ những hình cơ bản như hình tròn, hình oval, hình giọt nước, hình vuông, chữ nhật, tam giác… Trước khi nặn hãy hình dung và chia nhỏ bộ phận của vật thể rồi nặn từng phần ghép vào nhau. Cuối cùng sử dụng dụng cụ, móng tay, đầu tăm để tạo cho bề mặt những đường vân đặc trưng một cách tự nhiên.
– Với các bộ phận quá nhỏ không thể nặn bằng tay, hãy tận dụng các dụng cụ tặng kèm khi mua đất nặn, ví dụ khi gắn cuống quả, chỉ cần dùng que ấn nhẹ cuống sẽ hoà vào quả một cách tự nhiên mà nếu dùng ngón tay khó mà làm được.
– Hãy nhẹ nhàng, bình tĩnh và kiên nhẫn, một vài lần đầu có thể hơi ngượng tay nhưng khi hiểu được về tạo hình và độ mềm của đất rồi thì có thể bạn sẽ nghiện bộ môn này đấy
– Không cần mua quá nhiều màu đất vì có thể tự trộn màu theo ý thích của mình. Ví dụ màu xanh lá cây có thể tạo ra bằng việc trộn màu xanh da trời với vàng, màu cam tạo thành từ vàng và đỏ. Các màu pastel (màu nhạt như phấn) được mình tạo ra bằng cách trộn màu chủ đạo cùng màu trắng, các màu đậm được tạo ra bằng cách trộn màu chủ đạo với màu đen hoặc nâu… Lưu ý khi trộn luôn dùng màu nhạt trước, lấy một lượng màu đậm bóp từ từ cho đều, nếu thiếu thì bỏ thêm màu đậm vào trộn tiếp.
– Đất sét Nhật không dính tay nên hoàn toàn có thể cho các bé lớn chơi cùng và tranh thủ dạy con quan sát đồ vật, phân tích hình khối, màu sắc, cách pha màu… Bé nhỏ nhà mình còn nhỏ thì cực kỳ thích mỗi khi mẹ nặn xong và đoán tên loại quả đó.
– Một lưu ý quan trọng nữa là tuyệt đối không để sản phẩm dính lại vào nước kể cả khi đã khô hoàn toàn vì bột và keo trong thành phần đất sét sẽ bị tan khi tiếp xúc nước. Để bảo quản tốt hơn, bạn cũng có thể sơn phủ một lớp sơn móng tay không màu để chống nước cho sản phẩm
Chúc cả nhà thành công!