Công Thức làm BÁNH CUỐN TRÁNG CHẢO rất ngon


Công Thức làm BÁNH CUỐN TRÁNG CHẢO rất ngon 1

BÁNH CUỐN TRÁNG CHẢO, ĐẢM BẢO RẤT NGON

( Đây là câu nói của con gái mỗi khi nghe mẹ nói hôm nay mẹ sẽ tráng bánh cuốn cho cả nhà! 😄)

Ngày hôm nay, mình muốn chia sẻ với các thành viên Yêu Bếp cách pha bột bánh cuốn cũng như cách tráng bánh đơn giản nhanh gọn bằng chảo chống dính mà vẫn không kém phần ngon miệng như đi ăn hàng.

* Nguyên liệu:
– Bột bánh cuốn 200gr
– Bột khoai Tây hoặc bột năng 100gr
– 900ml nước.

Ngâm hỗn hợp trong 6 tiếng, cứ 2 tiếng lại chắt nước bỏ đi 1 lần để bột hết mùi và không bị chua. Lưu ý, chắt nước ra bao nhiêu thì sau đó phải bù lại bấy nhiêu. Các bạn có thể dùng cóng đong có vạch hoặc nhà ai có con nhỏ thì dùng ngay bình sữa, trên thành bình có vạch đong luôn. Ví dụ chắt ra 50ml đổ đi thì phải lấy 50ml nước sạch đổ lại vào hỗn hợp.

Còn nếu muốn tráng ăn ngay thì các bạn có thể dùng nước ấm khoảng 50 độ. Nhưng cố gắng chắt nước đi 1 lần sau khi chờ bột lắng để đảm bảo bột sạch và không mùi khi ăn.
Trước khi bắt đầu tráng thì thêm vào hỗn hợp bột nửa muỗng cafe muối để bánh khi ăn thấy vừa miệng và thêm 1 thìa dầu ăn to ( tầm 10ml) để tránh dính chảo. Trước mỗi lần đổ bột thì mình dùng cọ Silicon quết 1 lớp dầu vào mặt chảo.

* Cách tráng:
– Dùng chảo chống dính đường kính 20cm có nắp và muôi sâu lòng, bật bếp ở nhiệt độ cao làm nóng chảo, sau đó hạ lửa xuống mức trung bình, rồi láng bột và tráng như video mình đính kèm.

* Phần nhân:
– Gồm thịt lợn xay, phi thơm hành rồi xào thịt riêng, nấm+ mộc nhĩ riêng cốt để 2 nguyên liệu này ngấm gia vị, thịt thì chín săn. Sau khi xào xong thì trộn thịt, mộc nhĩ và nấm vào chung với nhau để làm nhân bánh.

* Nước chấm: Nước lọc 200ml, nước mắm 100ml, 100gr đường. Đun hỗn hợp đến khi sôi nhẹ, vớt bọt, chế từ từ 50ml giấm, vừa chế vừa đảo và nếm đến khi vừa miệng thì dừng (không nhất thiết phải chế hết 50ml giấm nếu các bạn đã thấy vừa đủ chua).

* Yêu cầu thành phẩm: Bánh phải mỏng, trong, đủ độ dai ngon, nhân bánh vừa miệng. Bánh cuốn thường được ăn cùng nước chấm chua ngọt không có tỏi nhưng hành khô phi thơm và rau mùi thì không thể thiếu.

Thực ra nếu ở Việt Nam, thì giờ này mình đã đang ngồi trong 1 quán bánh cuốn nghi ngút khói nào đó để thưởng thức món ăn mà mình yêu thích từ tấm bé này rồi và chẳng màng nghĩ tới cách để làm nên 1 đĩa bánh cuốn vừa mỏng vừa bóng và mềm mượt làm gì đâu. Nhưng cuộc sống xa nhà nhiều khi không sẵn, mà phải tự học hỏi nấu nướng, không chỉ thỏa mãn khẩu vị quen thuộc của bản thân, mà còn muốn gia đình nhỏ của mình cũng biết đến những món ăn, hương vị đã nuôi dưỡng mình trưởng thành từ thuở thơ bé!

Là 1 người vợ, người mẹ, khi biết chồng con thích món nọ món kia, thì chắc hẳn người phụ nữ nào dù có bận bịu đến mấy, cũng tranh thủ sắp xếp thời gian để học hỏi và chế biến những món ăn đó cho gia đình mình! Với mình, Đó không phải là nghĩa vụ, mà đơn giản là tất cả tình yêu của họ đối với chồng con, với gia đình. Chẳng thế mà người xưa có câu: “ vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp!”

Có thể nói, bánh cuốn là món ăn khá phổ biến không chỉ của người Hà Nội. Mình đã từng được nếm món bánh cuốn nước xương ở Hà Giang, bánh cuốn Hải Phòng, Phủ Lý, Nghệ An… Mỗi vùng miền lại có cách chế biến khác nhau, đặc biệt là ở nước chấm. Tuy nhiên, bánh cuốn Hà Nội, mà gốc gác của nó chính là ở đất Thanh Trì với mình thì đặc trưng hơn cả. Chắc có lẽ, món ăn này đã theo mình từ tuổi thơ, để rồi dù có đi đâu, dù có nếm các loại bánh cuốn khác nhau của từng vùng miền đã đặt chân tới, nhưng cũng không thể quên được hương vị ấy! Để rồi giờ đây, việc thưởng thức 1 đĩa bánh cuốn Thanh Trì chính hiệu trở nên khó khăn do đường xa dặm thẳng, thì hơn hết là tự tìm tòi công thức, tự tìm cách chế biến sao cho nhanh gọn thuận tiện nhất và thưởng thức mà thôi! Chính vì vậy, bánh cuốn với hương vị quen thuộc đã được mình thường xuyên dùng chảo để tráng như thế này mỗi khi cả nhà đổi bữa.

Nói thêm về bánh cuốn Thanh Trì, đây là 1 trong những món ăn nổi tiếng lâu đời của người Hà thành, và cũng là món ăn phải thử khi du khách ghé thăm thủ đô. Món ăn dân giã này thậm chí đã được nhắc đến trong An Nam chí lược với tên gọi khác nữa là bánh xuân. Bánh được làm từ gạo tẻ, xay thành bột nước, nước để pha bột cũng là thứ nước đặc biệt, từ giếng đá ong. Để cho ra những cuộn bánh tròn, vỏ bánh trong dai mỏng thì phải cần 1 nồi hấp với nước sôi sùng sục, thành nồi là miếng vải mỏng căng đều trên miệng. Mỗi lần hấp là một muôi bột nước vừa đủ, đổ lên trên mảnh vải đã căng rồi lấy muôi xoa nhẹ. Bột theo vết xoa mà lan đi đến hết miệng nồi. Đậy vung lại vài chục giây rồi mở ra, bằng một thao tác điệu nghệ với sự hỗ trợ bởi một chiếc que tre dài, miếng bánh trắng nõn được nhấc ra, phủ đều lên miệng rá, lúc đó, người bán mới thêm nhân gì thì thêm, rồi cuộn lại đặt vào đĩa, rắc chút hành phi và thực khách thưởng thức khi nóng.

Còn nhớ ngày bé, bà nội từng kể, khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, khắp các nẻo đường người ta vẫn thấy những người đàn bà mặc áo nâu dài, đội cái nón đem món bánh cuốn đi bán từ lúc trời vừa hửng sáng. Cơ nghiệp không có gì ngoài một cái thúng trên đầu, đậy cái mẹt. Ai mua, người bán hàng hạ cái thúng xuống và tất cả những “tinh túy” nằm trong lòng cái thúng đó được mở ra.

Bây giờ ở Hà Nội, bánh cuốn Thanh Trì gần như không còn hàng bán rong, thay vào đó là các cửa tiệm to nhỏ mọc lên, phục vụ người dân ăn sáng và ăn chiều lót dạ. Chính vì có tuổi đời trường kì như vậy, nên tấm bánh mỏng manh này luôn có chỗ đứng vững chãi trong lòng người dân thủ đô cũng như tự hào ghi tên trên bảng vàng bản đồ ẩm thực Việt Nam. ❤️

Công Thức làm BÁNH CUỐN TRÁNG CHẢO rất ngon 2

 


Share:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *