“Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”….
Đầu tiên, tôi là một “dì ghẻ” cả nhà ạ 😁
Hồi còn rất nhỏ, tôi đã nghe về câu ca dao này nhưng chưa kịp hiểu ý nghĩa của nó. Lớn lên một chút, tôi bắt đầu hiểu rằng người ta đang bảo rằng những bà mẹ kế sẽ chẳng bao giờ yêu thương đứa con của chồng với người phụ nữ khác sinh ra.
Hiểu thì hiểu rồi nhưng câu “Mấy đời bánh đúc có xương” là thế nào nhỉ?
Thì ra bánh đúc được làm bằng bột gạo, lạc và nước vôi trong nên làm sao mà có xương cho được. Vậy theo ý người xưa, dễ gì mà tìm ra được xương trong bánh đúc, cũng như dễ gì mà tìm được mẹ ghẻ yêu thương con chồng.
Thế rốt cuộc có ngoại lệ hay không?
Tôi tin là có! Bởi tôi tin vào những điều tốt đẹp. Có nhiều bà mẹ đành tâm vứt bỏ con của mình khi còn đỏ hỏn thì việc một người xa lạ yêu thương con của người khác cũng đâu phải là chuyện gì quá ngạc nhiên. Có thể rằng, bánh đúc khó tìm thấy xương nhưng mẹ ghẻ thương con chồng là có thật. Đôi khi, lòng nhân ái và tình cảm lớn lao của con người làm chúng ta thức tỉnh, trân trọng những người yêu thương mình nhiều hơn.
Trường hợp của tôi, không thể nói hay về mình, nhưng tôi luôn cho rằng: Yêu con chồng không dễ nhưng cũng không hề khó, nếu chúng ta bắt đầu từ chữ “thương”.
Khi chồng tôi còn sống, tôi có lần hỏi anh: em có đủ tốt với con anh chưa? Anh đáp: Đủ vợ ạ!
Khi anh mất, 3 mẹ con tôi vẫn luôn bên nhau, người này hiểu cho hoàn cảnh người kia, vượt qua mất mát và nỗi đau mất chồng, mất cha…đến giờ con vẫn gọi tôi bằng “Mẹ”. Đó là câu trả lời rõ nhất rồi, bởi thường “khi hoạn nạn mới thấy được chân tình”.
Vậy hãy cứ tin vào những điều tốt đẹp, bạn nhé!
Quay lại món bánh đúc, món này nguyên liệu đơn giản nhưng nấu khá mất thời gian, và cần phải khoẻ 😁
Quấy nồi bánh đúc như hình thì mất hàng 2 tiếng đồng hồ, mệt hơn đi cày ruộng cả nhà ạ 😋
Nói về văn hoá thì món bánh đúc có nhiều điều thú vị:
“Bánh đúc làng Điền góp tiền mà mua”
Ý nói bánh ở đấy ngon, đáng đồng tiền mua. Làng Điền là một làng thuộc xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
“Rau cần kẻ Trúc, bánh đúc chợ Chay”
Hai đặc sản, trong đó chợ Chay thuộc Hà Tây cũ.
“Nâu kẻ Sặt, vải kẻ Núc, bánh đúc lại Đổng”
Đổng thuộc thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ý quảng cáo cho các sản phẩm của những địa điểm đó.
“Bánh đúc bẻ ba, mắm tôm quệt ngược”
Bánh đúc ăn 3 người thì có vẻ ngon. Cũng như cách nói “chè tam, tửu tứ”.
“Bánh đúc (ăn với) cá kho, bán bò (mà lo) trả nợ”
Ý nói ăn bánh đúc với cá kho thì ngon đến nghiện tới mức hết tiền phải bán bò mà trả nợ.
“Bánh đúc mát cái mát của Đông Phương, thâm trầm và hiền lành chứ không rực rỡ và kêu gào ầm ĩ.”
Lời bình luận về món bánh đúc của nhà văn Vũ Bằng trong cuốn Món ngon Hà Nội.
Cách nấu bánh đúc xem trong ảnh bên dưới!