CÁCH CHĂM SÓC HOA CẨM TÚ CẦU ĐÀ LẠT
Hi mọi người, lần trước em có bài viết hướng dẫn cách chăm sóc hoa sen, lần này em lại ngoi lên chia sẻ về 1 loại hoa “tuy dễ mà khó” cho các chị em đây ạ. Em vẫn thích kiểu gạch đầu dòng hơn cho dễ theo dõi nha.
1. Hoa cẩm tú cầu Đà Lạt có những đặc điểm gì:
– Sở dĩ em nhắc tới chữ Đà Lạt vì đây là loại tú cầu dễ mua và giá thành rẻ nhất trong số các loại trên thị trường. Tú cầu nhập khẩu thì sẽ to hơn và nhiều màu hơn nhưng rất là “đau ví” ) Trên thực tế thì hoa tú cầu Đà Lạt chỉ khác về hình dáng bên ngoài chứ không khác về tính chất bên trong.
– Tú cầu Đà Lạt chuyển màu theo thời gian canh tác: Khi hoa còn non (đầu vụ) thì tú cầu có màu trắng xanh, xanh non – khi giữa vụ thì hoa chuyển xanh da trời – cuối vụ là khi hoa chuyển màu hồng nhàn nhạt và trước khi hết vụ thì là màu trắng. Đó là tiến trình bình thường khi hoa còn trên cây. Còn khi hoa đã bị cắt xuống khỏi cây thì màu sẽ giữ nguyên cho tới khi tàn. Đấy là lý do mà nếu bạn mua tú cầu Đà Lạt bình thường (không can thiệp vào giống khi trồng) thì sẽ không bao giờ có 1 bông tú cầu chỉ có màu xanh lá hoặc chỉ có màu xanh da trời mà sẽ luôn xen kẽ. Muốn tìm tú cầu đầu màu thì chỉ có thể tìm mua loại nhập khẩu.
– Thật bất ngờ nhưng nếu xét về mặt thực vật học thì tú cầu cùng họ với hoa hồng. Nên thân hoa tú cầu bên trong cũng có dạng “xốp hút nước” y như hoa hồng. Chỉ khác là to khoẻ béo mập hơn nên tú cầu hút nước mạnh hơn và cũng dễ nghẻo hơn )))
– Tú cầu Đà Lạt có đường kính khi mới thu hoạch có khi chỉ 5cm, nhưng nếu được nuôi nước và bung nở thì sẽ đạt 20-25cm là bình thường. Đột biến có những bông nở tận 30cm ko thua gì tú cầu nhập.
– Nếu bạn thấy tú cầu nhập khẩu nở tròn đều các cánh tăm tắp nhau xoè ra như bông hoa mini 4 cánh thì tú cầu Đà Lạt ít bông nở được như vậy. Đa số tròn tròn hình vỏ hến và chen chúc nhau, bông cũng méo méo nhưng lại rất cute ))
2. Cách chăm sóc tú cầu Đà Lạt
– Nếu bạn mua cả 2 loại tú cầu thì hãy để ý ở dưới thân của bông tú cầu nhập khẩu luôn có 1 ống thuốc dưỡng để bổ sung chất cho hoa (giống cái ống ở dưới hoa lan hồ điệp nhưng nó to hơn). Hoa Đà Lạt thì ko có ống này nên chúng ta chỉ có các là nuôi THẬT NHIỀU NƯỚC. NƯỚC là điều quan trọng nhất đối với hoa tú cầu, hoa này uống nước như chúng ta uống nước vậy ))
– Trước khi cắm hoa tú cầu, nếu bạn có thời gian thì hãy ngâm cả bông tú cầu trong chậu nước thật đầy ít nhất 3-5 tiếng. Tú cầu nhập Đà Lạt đã mất nhiều giờ để đến tay bạn, bông hoa lúc này đã mệt nhoài và cần tiếp thêm nước. Nếu bạn bắt tay vào cắm ngay thì hoa sẽ gục trong tích tắc.
– Khi mua hoa về, nếu xác định kéo của bạn không sắc thì hãy mang dao và thớt ra để cắt gốc hoa. Về khoản này thì tú cầu giống hoa sen, kéo cùn sẽ làm dập phần “xốp hút nước” tiếp xúc và ngăn cản nước bơm lên phần thân hoa.
– Nhiều người thích lá của tú cầu vì nó thật xanh mượt và tươi mát, nhưng nếu để càng nhiều lá thì bông hoa của bạn càng dễ ra đi vì lá đã hút hết nước của hoa rồi. Nên hãy bỏ đi càng nhiều lá của tú cầu càng tốt.
– Tú cầu không sợ quạt hay điều hoà, cũng không sợ nóng hay lạnh, nó chỉ sợ nhất là thiếu nước và nước bẩn. Nên hãy thay nước hàng ngày và mỗi ngày cắt đi 2-3cm gốc hoa để chúng luôn thấy tươi mới. Hoặc khi bạn bỏ hoa ra khỏi bình thì quan sát thân hoa. Phần xốp bên trong thân hoa có màu trắng, khi nó đã chuyển vàng tức là nó hết khả năng hút và lọc nước nên hãy cắt bỏ đến chừng nào thấy gốc trắng nhé.
– Bông tú cầu rất to nên cũng cần dinh dưỡng nhiều hơn hoa khác chút đỉnh. Bạn có thể cho chúng xin vài viên đường vào trong nước cắm hoa hoặc dùng nước ngọt có gas (7 up cho nó ko màu) để cắm sẽ khiến tú cầu tươi hơn.
– Khi 1 bông tú cầu gục xuống thì đừng vứt chúng đi vội. Lập tức xả 1 xô/chậu nước máy thật đầy rồi thả chúng vào đó. Chờ 2-3 tiếng là đã có điều kì diệp xảy ra. Hoa lại rươi rói.
– Nếu bông tú cầu không héo toàn bộ mà chỉ héo 1 phần, bạn cắt phần héo đi thì cả bông hoa vẫn sống thêm được vài ngày nữa.
– 1 bông tú cầu nếu chăm sóc tốt và ở môi trường (hướng nhà) lý tưởng có thể sống được 2-3 tuần không cần thuốc dưỡng hoa như hàng nhập khẩu.
3. Cách cắm hoa tú cầu
– Hoa tú cầu hợp nhất khi cắm ở lọ thuỷ tinh hoặc lọ đơn sắc. Không nên cắm tú cầu ở các loại lọ nhiều màu vì sẽ làm bình hoa rối mắt. Nếu lọ có hoạ tiết thì nên đơn giản màu trắng, xanh nhạt.
– Cắm hoa tú cầu ko cần cầu kì, chỉ cần cắt gốc, bỏ lá rồi thả vào lọ là xong. Vì bản thân bông hoa đã hoành tráng nên đôi khi chỉ cần 1 bông.
– Tú cầu trông dễ chịu nhất khi cắm với hồng kem dâu và đáng sợ nhất khi cắm cùng các màu hoa quá rực hoặc cùng độ to như hướng dương, hồng đỏ.
Chúc mọi người có những bình tú cầu thật to đẹp hoành tráng và sống dai dẳng ngày này tháng nọ luôn ạ )))))
#yeubepcohoa