GỬI CHA-NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÓ TÍNH CỦA CON
Mười mấy năm sống trong nhà trong mắt con cha là người đàn ông cực kì khó tính, gia trưởng, lúc nào cũng chỉ biết kiếm tiền, đi làm về mệt thì lại gắt gỏng vợ con.
Những năm tháng đó nhà mình khó khăn, nợ nần chồng chất, chính vì vậy mà quanh năm dù trời mưa hay nắng thì cha vẫn đi làm, cha thích những công việc nặng vì nó nhiều tiền.
Năm 1991 sinh con xong thì mẹ mắc bạo bệnh, cha bán căn nhà tre vừa dựng trước đó, cả nhà mình sống trong lăn lều dựng tạm bằng rơm trộn bùn, trời mưa chỗ nào cũng ướt.
Năm 1999, con trâu- tài sản lớn nhất của nhà mình bị chết do cha buộc nó trên một bờ đất cao rồi về ăn trưa, chẳng may nó sảy chân rồi bị treo cổ. Hàng xóm giúp cha đỡ nó lên, cha cứ thế ôm lấy nó mà khóc, cha khóc, cả nhà mình cũng khóc, hồi đó cha ốm cả tuần mới dậy. Đó là cú sốc tinh thần đầu tiên mà con thấy ở cha.
Năm 2002 cha vào Lâm Đồng bốc vác cà phê, những bao cà phê nặng 50, 60kg, hồi đó máy móc không hiện đại như bây giờ, chủ yếu là dùng sức người, cha ăn một lần 4 gói mì tôm để có sức bốc hàng từ 3h sáng đến chiều, ai cũng khen cha khoẻ nhưng có ai biết đằng sau người đàn ông khoẻ mạnh ấy là cả một trách nhiệm nặng nề, lúc nào cũng thương con nhưng lại không dám thể hiện tình cảm.
Năm 2009 con thi đại học, nhà mình bán con lợn, số tiền đó chỉ đủ cho cha con mình đi từ Nghệ An ra Thái Nguyên và ngược lại, sáng cha muốn đưa con đến trường nhưng con thì khăng khăng tự đi, chỉ vì con không thích cha, chỉ vì cha lúc nào cũng khó tính với mẹ. Nhưng lúc con đi thì cha cũng lẳng lặng đi đằng sau, cha chỉ dám đi xa xa vì sợ con thấy mất công con lại khó chịu.
Năm đầu tiên con thi không đỗ, mẹ động viên con ôn thi lại, cha chẳng nói gì, cứ lẳng lặng làm việc rồi hỏi con ôn thi hết bao nhiêu tiền? Khi nào thì đi đăng kí ôn thi?
Cha cứ như vậy, cứ khó tính, gắt gỏng vậy đấy, bởi gánh nặng trên vai cha chẳng ai hiểu.
Năm 2010 con thi lại lần hai ở Vinh, vẫn là con – đứa trẻ ngang ngược đòi tự đi một mình, cha nói: cha chở mi xuống rồi cha về cũng được thì con mới đồng ý. Hai cha con xuống trường trước hai ngày, sau khi gửi gắm con cho một bác chủ nhà tốt tính, căn dặn con đủ thứ rồi cha mới yên tâm ra về.
Năm đó con lại thi trượt, áp lực trước những lời chê bai của hàng xóm, bạn bè, con rơi vào trầm cảm, nhưng hồi đó khái niệm trầm cảm còn xa lạ với mọi người. Con chỉ thích ở trong bóng tối, không muốn gặp ai. Cha hiểu chuyện và suốt một thời gian dài cha không bắt con phải làm bất cứ việc gì.
Thật may, sau đó con đỗ nguyện vọng 2 một trường ở Hà Nội, cha vui lắm, rồi làm hẳn mấy mâm cơm để mời anh em như một lời đáp trả cho những lời lẽ làm tổn thương con của hàng xóm
Tháng 10/2010 cha đưa con ra Hà Nội nhập học, một năm con chỉ về hai lần vì nhà xa, đi lại tốn kém. Mỗi lần con về lại thấy cha gầy đi, đôi bàn tay chẳng còn dẻo dai như hồi xưa, đôi mắt thâm quầng, chằng chịt những vết chân chim in hằn những nhọc nhằn năm tháng.
Năm 2014 con vào Sài Gòn tìm việc, cha âm thầm chuẩn bị cho con mọi thứ, kể cả đồ ăn vặt để ăn trên xe.
Cha cứ thế, cứ hay cằn nhằn, khó tính, không bao giờ nói thương con mình nhưng trong lòng lúc nào cũng canh cánh vì chúng con
Năm 2015 con từ Sài Gòn trở về, hôm đó là 20 tết, trời vừa mưa vừa rét, xe dừng bến lúc 3h sáng, con vừa xuống xe thì ngay lập tức một giọng nói thân thuộc phía đằng sau vang lên “ Cha ở đây”, chẳng biết cha đã đứng đó bao lâu để chờ con, hơn một năm mới gặp cha, tự nhiên con muốn ôm cha một cái nhưng rồi lại thôi.
Năm 2017 con đi lấy chồng, cha thức nguyên hai đêm, đêm nào cha cũng ngồi ở ngoài sân hút thuốc, cái gạt tàn đầy thuốc chỉ sau một đêm. Ngày con cưới xong cha ốm một trận ra trò.
Ngày con sinh, cha dù bận việc đến mấy cũng tranh thủ một chút thời gian buổi trưa, đi xe tận 40km để mang cho con con gà, cân thịt rồi tranh thủ bế chau một chút, cháu đầu nên nên cha luống cuống hẳn, phải lót thêm cái chăn nhỏ nữa cha mới yên tâm bế vì sợ cháu bị tuột 🙂. Ngày con đưa cháu về ngoại chơi, tối nào cha cũng bế cháu, ru cháu ngủ, đi làm về là vội tắm rửa để bế cháu, chẳng mấy khi thấy cha cười vui như vậy.
Năm 2019 con sang Nhật làm việc, cha ra chơi một tuần, con muốn đưa cha đi ăn thật nhiều món ngon nhưng cha nói răng cha đau nên cha chỉ muốn ăn mì, cứ thế sáng nào cha cũng dậy bế cháu đi dạo một vòng, cho cháu ăn rồi ru cháu ngủ.
Ngày tiễn con ra sân bay, cha khóc. Người đàn ông như cha trải qua bao nhiêu biến cố cuộc đời, trải qua bao nhiêu năm nhà tranh, vách đất, từng ăn khoai, ăn sắn thay cơm, từng đi đào những cái giếng sâu 17,18 mét, nhưng lại có thể khóc một cách ngon lành về đứa con 30 tuổi.
2021 nghe tin con chuẩn bị về cha vui như một đứa trẻ, cha gọi điện khoe năm nay cha nuôi được nhiều lợn, nhiều gà, hoa quả năm nay cũng thuận mưa mà ra đầy quả.
Bao nhiêu năm vật lộn với đời có lẽ năm nay là năm đầu tiên con thấy cha cười nhiều như vậy, cha vui vì các con đã nên vợ, nên chồng, rồi cha lên chức ông nội, ông ngoại. Cha vui vì hơn một năm con xa nhà, sống và làm việc giữa tâm dịch của nước Nhật nhưng cuối cùng con cũng có thể trở về an toàn. Cha vui vì các cháu của cha đứa nào cũng ngoan, cũng mạnh khoẻ.
Cha chưa bao giờ hoàn hảo, chưa bao giờ nói lời yêu thương với người thân, lúc nào cũng chỉ làm việc, có cái gì cũng dành cho con, cho cháu
Con- chưa một lần nói thương cha, từng coi sự vất vả của cha là trách nhiệm và nghĩa vụ của bậc sinh thành. Nhưng con đã thay đổi nhiều rồi cha nhỉ, con đã biết lắng nghe cha tâm sự, đã biết động viên, an ủi cha.
Cuộc đời con nhờ có cha mà trở nên tươi đẹp.
Cha hãy cứ cười nhiều như những ngày qua cha nhé, 2/3 cuộc đời vất vả như thế là đủ rồi cha ạ.
Cảm ơn cha- người đàn ông chưa một lần than khổ ❤