[Tâm Sự] HIỂU BẾP ĐỂ YÊU MÌNH (Seri Yêu Bếp Nghiện Nhà)


[Tâm Sự] HIỂU BẾP ĐỂ YÊU MÌNH (Seri Yêu Bếp Nghiện Nhà) 1

HIỂU BẾP ĐỂ YÊU MÌNH

– trữ đông thực phẩm, những điều học hỏi từ Yêu Bếp và qua kinh nghiệm cá nhân –

Thường thường khi mình chia sẽ rằng mình đi chợ 1 lần, cấp đông thực phẩm và dùng dần trong 1 tuần, đâu đó sẽ có vài lời ngọt nhạt kiểu ăn vậy còn ra gì, dinh dưỡng tiêu tan hết… Vậy mẹ đảm, mẹ thông thái có phải là người đi chợ mỗi ngày, nấu ăn mỗi bữa?! Có thể đúng, nhưng không phải là tất cả. Mình không nhận vai mẹ đảm hay mẹ thông thái gì cả, mình chỉ cảm thấy người phụ nữ cần có nhiều thời gian hơn để yêu mình, yêu con, yêu chồng và cống hiến cho xã hội (nếu có thể). Và nếu không đủ thời gian cho ngần ấy việc, thì trữ đông thực phẩm là một cách hữu hiệu. Chỉ cần mình nắm bắt được nguyên tắc, thực hành đúng cách và không quên kèm theo một số mẹo nhỏ, việc trữ đông thực phẩm sẽ trở nên đơn giản mà thực phẩm vẫn được bảo đảm về dinh dưỡng.

Nhắn nhỏ với những người phụ nữ yếu mềm ơi, người đời có thể cười chê bạn vụng về, nhưng bạn đừng chê trách bản thân vì chắc chắn chẳng ai hoàn hảo. Mình có thể làm sai, chỉ cần mình sẵn lòng học hỏi.
Xin chia sẽ với mọi người cách mình trữ đông thực phẩm qua những gì học hỏi từ Yêu Bếp và những kinh nghiệm bản thân.

1. Một vài nguyên tắc khi trữ đông và rã đông.

– Sử dụng chất liệu an toàn để bảo quản thực phẩm, ví dụ hộp nhựa PP hoặc thủy tinh. Túi zip chất liệu PE hoặc HDPE cũng an toàn cho thực phẩm.
– Trữ đông trong hộp kín khí và cố gắng để lưu lại càng ít không khí trong hộp càng tốt.
– Rã đông trong ngăn mát tủ lạnh hoặc lò vi sóng để đảm bảo chất lượng thực phẩm không bị suy giảm. Và rã đông rồi thì không cấp đông lại lần nữa.
– Nếu trữ đông thực phẩm đã chế biến thì cần làm nguội nhanh và cấp đông sớm, vì để càng lâu lại càng tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

2. Cách để trữ đông không dính.

Thường thì mình sẽ dùng hộp nhỏ để chia bữa vừa đủ khẩu phần, tuy nhiên đôi lúc muốn tận dụng không gian hộp, mình thường để chung. Vậy mình xin gợi ý cách để thực phẩm không dính vào nhau, cần bao nhiêu chỉ cần gỡ rời bấy nhiêu và rã đông.
– Giữ khoảng cách cho các khối thực phẩm nếu hộp đủ không gian.
– Ngăn cách bằng lá chuối (lót 2 lớp), giấy bạc, màng bọc thực phẩm…
– Lắc/gỡ rời khi thực phẩm vừa đông mềm (sau khi để ngăn đông 4h) đối với thực phẩm là giáp xác (tôm, tép, cua, ghẹ…)
– Gói thực phẩm bằng các loại lá gia vị như nem gói bằng lá ram Hà Tĩnh, thịt bò xay nhuyễn gói bằng lá lốt, thịt heo ướp nướng gói bằng lá chuối hoặc lá bưởi…

3. Trữ đông tươi ngon.

– Tôm và các loại giáp xác thì có thể hấp chín rồi mới cấp đông, hoặc ngâm tôm trong nước muối loãng.
– Thịt bò thái sẵn, trộn với ít dầu ăn thì lúc rã đông, phần thịt không bị chảy nước.
– Không cần rã đông với các loại thực phẩm được gói nhỏ như nem, bò lá lốt hay thịt viên/cá viên… Thay vào đó có thể nấu chậm hơn để những loại thực phẩm này chín đều.
– Ướp luôn vài loại thực phẩm nếu bạn đã xác định mục đích nấu sắp tới, ướp và cấp đông sẽ giúp thực phẩm thấm đẫm gia vị hơn.

4. Trữ đông theo mục đích.

Khi đi chợ mua thực phẩm, mình thường mua đa dạng các loại cá, thịt, giáp xác và gia cầm… Rồi khi sơ chế, mình sẽ dự định sơ qua vài hình thức chế biến để chia lượng cũng như xác định phần thực phẩm thích hợp. Tùy theo khẩu vị và xu hướng nấu ăn của mỗi nhà, mình chỉ xin gợi ý như sau.
– Cá: phần đầu + đuôi thì để nấu canh, phần thân để kho hoặc chiên.
– Gà/vịt: phần xương cổ, xương giữa để nấu canh, nấu măng; phần lườn để luộc hoặc nấu bún, phở…; phần cánh+đùi để nướng hoặc chiên.
– Thịt bò: phần bò nạm, bò bắp để nấu bún, mì, nui, bò kho…; phần bò thăn để xào, nhúng phở…
– Thịt heo: phần nạc dăm để luộc; phần ba chỉ để kho, nướng; phần sườn để nấu canh, nấu bún hoặc chiên.
– Tôm: phần để giã nhuyễn nấu canh thì trữ khô; hấp hoặc nướng thì trữ kiểu ngâm nước muối; nấu soup hoặc bún thì trữ kiểu hấp chín.

5. Trữ đông rau, củ, quả.

Mình không trữ đông rau lá ăn hàng ngày, tuy nhiên có vài món do thu hái nhiều, lỡ mua nhiều hoặc do công đoạn băm, giã lách cách thì mình trữ đông luôn.
– Cà chua nên xào qua với dầu ăn, hành củ (để tăng dinh dưỡng) rồi làm nguội nhanh và cấp đông.
– Sả và gừng thì mình dùng máy xay, xay luôn lượng nhiều, trộn với ít dầu ăn (để hạn chế mất tinh dầu) rồi phân ô nhỏ, cấp đông.
– Ớt bỏ cuống và cấp đông, tuy nhiên cách này sẽ làm ớt bớt cay.

Trữ đông thực phẩm không có gì sai trái cả, mình mong mọi người có cái nhìn thiện cảm hơn. Và mình mong việc trữ đông thực phẩm sẽ giúp người phụ nữ chủ động, linh hoạt hơn trong việc bếp để có nhiều thời gian rảnh rỗi cho gia đình, bạn bè và để yêu chiều vài sở thích của bản thân.

#MượnBếpYêuMình #HeForSheAtHome #ThửTháchTháng5 #YêuBếp #EsheepKitchen

[Tâm Sự] HIỂU BẾP ĐỂ YÊU MÌNH (Seri Yêu Bếp Nghiện Nhà) 2
[Tâm Sự] HIỂU BẾP ĐỂ YÊU MÌNH (Seri Yêu Bếp Nghiện Nhà) 3
[Tâm Sự] HIỂU BẾP ĐỂ YÊU MÌNH (Seri Yêu Bếp Nghiện Nhà) 4[Tâm Sự] HIỂU BẾP ĐỂ YÊU MÌNH (Seri Yêu Bếp Nghiện Nhà) 5
[Tâm Sự] HIỂU BẾP ĐỂ YÊU MÌNH (Seri Yêu Bếp Nghiện Nhà) 6
[Tâm Sự] HIỂU BẾP ĐỂ YÊU MÌNH (Seri Yêu Bếp Nghiện Nhà) 7


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *