MỤC LỤC NỘI DUNG
Chào mọi người!
Nhắc đến Bến Tre, người ta thường nhớ đến tên gọi thân thương “Xứ Dừa”. Quả thật như vậy, ở đây có những vườn dừa xanh trải dài mát mắt với nhiều giống dừa khác nhau. Từ cây dừa, chúng ta có thể chế biến nhiều món ngon từ mặn đến ngọt. Đặc biệt, khi bạn đã trót yêu vị béo của nước cốt dừa thì lại càng không thể bỏ qua các món chè Nam bộ. Nào chè bắp, chè khoai mì, chè đậu trắng, chè đậu đen, chè đậu đỏ cho đến chè bà ba, chè chuối, chè trôi nước, chè thưng,… Tuy mỗi loại mỗi khác nhưng món chè nào cũng đầy ắp hương vị ngọt ngào, béo thơm khó cưỡng.
Với người dân địa phương mình, “Xôi – chè” là món không thể thiếu trong những dịp cúng quải (đầy tháng, thôi nôi, cúng căn, trả lễ, cúng rằm,…). Món chè trong lễ cúng đầy tháng thôi nôi cũng có quy ước khác nhau. Với bé trai, người ta sẽ cúng chè đậu trắng với mong muốn con cháu mình sẽ “đậu”, đỗ đạt thành tài. Còn bé gái thì cúng chè trôi nước với hình dáng viên chè tròn trịa, “viên” chè lại phát âm kiểu “viên – diên – duyên” mang ước muốn lớn lên sẽ duyên dáng, đẹp đẽ. Bên cạnh đó còn có con vịt tréo luộc nấu cháo, khác với miền Trung, Bắc thường cúng gà luộc. Và món không thể thiếu tiếp nữa là xôi, thường là xôi màu tím lá cẩm hay xôi gấc màu đỏ.
Là một thằng con trai, mình tiếp xúc với món chè đậu khi mới ngày thứ 31 sau khi sinh ra (vì quan niệm dân gian nam trồi, nữ sụt mà) nên khi muốn nấu một món chè nào đó, mình thường nghĩ ngay đến chè đậu trắng. Mà cũng chẳng phải duy nhất một lý do như vậy. Lý do lớn nhất chính là món chè này bà nội mình nấu rất ngon. Từng hạt nếp dẻo, quyện cùng vị bùi của hạt đậu, hòa cùng vị béo của nước cốt dừa luôn mê hoặc mình. Muốn ăn món chè của bà nội, mình thường phải đợi hai ngày cho thèm chết lên chết xuống. Ngày đầu tiên, nội sẽ mua đậu, mua nếp về để lựa từng hạt. Trải chúng ra mâm, nào là đậu bị sâu, bị lép, bị bể đều được nội lựa hết. Nếp thì lại lựa từng hạt thóc, gạo bị lẫn. Khuya sớm hôm sau bà dậy bắt đầu rửa, ngâm đậu, gút nếp (vo nhiều lần đến khi nước trong, để ráo). Rồi bắt đầu nạo dừa, lọc thịt gấc để nấu. Bởi vậy, món chè của nội lúc nào cũng ngon, hạt đậu mềm tan nhưng không nát, hạt nếp dẻo ngọt. Xôi thì tơi, dẻo và béo thơm đến lạ lùng.
Bà nội mất đã được 4 năm, mình vẫn giữ thói quen mỗi khi được nghỉ học về quê lâu lâu một chút hoặc trong một dịp nào đó cần cúng kiếng thì lại nấu món chè quen thuộc ấy. Ông mình và mọi người vẫn thường khen “Cái thằng nấu y chang bà nội nó hồi đó”. Duy chỉ có mình là thấy thiếu, thiếu cái cảm giác tình yêu thương của một người bà, người vợ, người mẹ dành tất cả yêu thương cho con cháu.
Về công thức chè đậu trắng và xôi, mình xin chia sẻ thế này. Vì thường mình nấu đám tiệc nên lượng chè lớn, mọi người giảm tỉ lệ nhé!
*Chè đậu trắng:
Nguyên liệu gồm:
– 2kg đậu trắng
– 4 chén nếp
– 2,2kg đường
– 2 mcf tiêu mặn (baking soda)
– 1 mcf muối
– 1 lít nước cốt dừa
– Bột gạo, bột năng
– 3 lít nước cốt dừa dão (vắt dừa lần thứ 2)
– 1 bó lá dứa
Cách làm:
Đậu mua về lựa bỏ hạt sâu, hư, bể. Rửa sạch, ngâm với nước lạnh và khoảng 3 giờ. Nếp gút sạch, ngâm khoảng 1 giờ. Đậu cho vào nồi nấu với nước và hòa tiêu mặn vào cho đậu nhanh mềm, đều hạt. Đậu chín mềm, cho ra thau nước lạnh. Vớt đậu nhẹ nhàng, lọc bỏ mài đậu thật kĩ với khoảng 3 lần nước nhé!
Vớt đậu ra rổ cho ráo nước. Tiếp tục ướp đậu với 1kg đường và chút muối. Như vậy, đậu sẽ ngon hơn, lại không bị sượng trở lại khi nấu.
Đặt nồi nước cốt dừa dão lên bếp. Cho phần nếp vừa ngâm để ráo vào nồi. Lá dứa cột chặt, cho vào nấu cùng. Nấu đến khi hạt nếp vừa nở thì vớt lá dứa bỏ, cho 1,1kg đường. Đường tan, cho đậu vào. Thêm 1kg đường. Cho thêm nước nếu chè đặc quá. (Nấu lỏng một chút, khi chè nguội sẽ đặc lại)
Phần nước cốt dừa cho 100g đường và 1 ít muối vào. Hòa thêm bột gạo và bột năng. Cho lên bếp, khuấy đều tay đến khi đặc sánh. (Mọi người có thể cho vào 1 bó lá dứa nhỏ để cho thơm hoặc ít vani)
Có thể rang thêm mè trắng để rắc lên nha!
*Xôi gấc:
4kg gạo nếp
2 trái gấc
400ml nước cốt dừa (vắt thật đặc nhé)
1 ít rượu
50ml dầu ăn
350gr đường
2 mcf muối
2 bó lá dứa
2 lít nước cốt dừa dão (loãng thôi)
Gạo nếp gút thật sạch, ngâm 3 tiếng. Vớt ra để ráo và tiếp tục ngâm với nước cốt dừa dão 30 phút. Tiếp tục vớt ra, để ráo. Nhớ nhẹ nhàng thôi nhá!
Gấc gỡ lấy thịt, đánh nhuyễn trộn với rượu trắng cho giữ màu đẹp. Trộn phần thịt gấc vào nếp thật đều nhé.
Chờ nước dưới chõ sôi lên, cho vào đó 1 bó lá dứa. Cho nếp vào chõ theo kiểu để hở một khoảng tròn ở giữa cho hơi được lan đều.
Nước cốt dừa, đường, muối hòa tan với nhau. Nếp vừa hơi trong thì cho hỗn hợp ấy vào, vừa cho vừa xới thật đều tay. Cho từng chút một kẻo bị nhão nhé! Tùy độ của nếp mà mình cho vào. Đến khi nếp chín thì Trộn tiếp phần dầu ăn vào. Xới thật đều tay nha! (Phần xới xới này dễ bỏng tay lắm).
Thường mình nấu cho mấy lễ cúng nên việc bày ra chụp hình cho đẹp thì khó lắm. Mọi người nhìn đỡ mấy ảnh này nha! Yêu thương!