MỤC LỤC NỘI DUNG
Món quà nghĩa tình trong mùa dịch.
Hai ngày trước, vào lúc 9h tối thì chú bảo về khu nhà mình ở nhắn tin lên group Zalo chung kêu mọi người xuống lấy quà hỗ trợ. Mình thì cứ nghĩ tin nhắn đó danh cho những ai có đăng ký nhận quà vào vài hôm trước, nên mình cũng không xuống. Một lúc sau, nghe tiếng gõ cửa thì chú bảo vệ mang quà lên phòng cho mình, chú nói chú gửi quà của Phường hỗ trợ trong mùa dịch. Mình không khỏi bất ngờ với món quà này, không cần biết quà là gì nhưng cảm thấy thật ấm áp và nghĩa tình. Vì khu mình không không còn là khu phong toả, nên không nghĩ là có những món quà này.
Quà mình nhận được là 5kg gạo, 1/2 trái bí đỏ lớn, 1 trái bí đao, 1kg rau muống. Đơn giản thôi, nhưng nó là những thứ quý giá trong thời điểm này. Các bạn biết không, thời gian này mình thèm đủ thức, hôm qua sau khi ăn trưa thì cực kỳ thèm bánh và đồ ngọt. Nhìn vào những thứ mình có: một ít đậu xanh bóc vỏ còn lại từ hôm nấu xôi, bí đỏ vừa được tặng, ít bột nếp. Nên mình quyết định làm bánh trôi nước với vỏ bằng bí đỏ. Một thứ bánh ngọt ngào, tròn trịa cũng là một cách để mình tri ân, cảm ơn tấm lòng đã hỗ trợ mình trong thời điểm này. Vào những thời gian khó khăn này, chúng ta mới cảm nhận được tấm lòng tương thân tương ái của người Việt mình. Nó mang lại một năng lượng cực kỳ tích cực cho chúng ta trong thời gian này.
Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ.
P/s: Mình sẽ note theo từng hình cách làm nhé!
Công thức Cách làm Chè Trôi Nước
NGUYÊN LIỆU
– 1/6 trái bí đỏ;
– Một ít bột nếp;
– 75g đậu xanh bóc vỏ;
– Đường phèn;
– Gừng;
– Nước cốt dừa đóng hộp.
CÁCH LÀM
– Làm nhân: Đậu xanh mang đi luộc chín. Sau đó, dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn đậu xanh với một ít nước. Cho đậu xanh lên bếp, cho vào một ít dầu ăn, 50g đường, 10g bột nếp. Sên đậu xanh với lửa nhỏ đến khi đậu xanh thành một khối có thể vo viên được. Sên đến khi ta dùng ngón tay ấn vào mà không dính tay là được.
– Làm vỏ: Bí đỏ gọt vỏ, làm sạch ruột. Sau đó, cắt nhỏ mang đi hấp. Đến khi hấp chín thì dùng tay bóp nhuyển bí đỏ ra. Lúc này bản thân bí đã có nước, nên chúng ta chỉ cần cho từ từ bột nếp vào nhàu. Nhồi đến khi thành khối bột dẻo là được. Đừng để bột quá nhão thì viên chè làm ra không đẹp, không ngon. Nhàu xong để bột nghỉ trong vòng 20 đến 30 phút.
– Làm viên trôi nước: Vo viên nhân đậu xanh với đường kính tầm 3cm. Vo viên bột với độ lớn gấp đôi viên nhân, rồi vo thành viên chè tròn. Vo có đẹp hay không thì phụ thuộc vài kỹ năng của mỗi người. Nếu còn dư bột, hết nhân thì vo bột thành viên chè nhỏ, quê mình gọi là chè ỉ.
– Nấu nước luộc chè: Đun sôi một nồi nước lọc, đến khi sôi thì thả chè vào. Khi viên chè nổi lên mặt nước là chè chín. Vớt ra cho vào thau nước lạnh.
– Nấu chè: Nấu một nồi nước tầm 2 lít, sau đó cho đường phèn và một ít đường cát vàng vào đến độ ngọt mà mình thích. Sau đó, cho các viên chè vào nấu cùng. Gần hoàn thành thì cho vài lát gừng vào để chè thơm hơn.
– Khi ăn thì có thể ăn kèm nước cốt dừa nấu chín và mè rang.
Đầy là thành quả. Vì là thành phần chính là bí đỏ, nên chỉ màu vàng ươm thôi. Mình dùng đường phèn và một ít đường cát vàng nên nước có màu vàng.
Chè trôi nước ăn kèm ít nước cốt dừa, ít gừng sắt sợi và mè thì ngon tròn vị.
Đây là viên chè mình vi. Lúc này viên chè định hình, nên kỹ năng vo chè là một điều quan trọng để quyết định vẻ đẹp tròn trịa của viên trôi nước.
Thành quả nhìn từ trên cao. Sự tròn trịa từ dáng vẻ đến mùi vị của viên trôi nước không biết sao làm mình cảm thấy thoải mái.