Công Thức / Cách làm / Hướng Dẫn / CHÈ ĐẬU XANH TRÂN CHÂU, BỘT BÁNG, THẠCH ĐEN, CỐT DỪA
Lâu lắm rùi mới lại nấu chè đậu xanh cho các bạn nhỏ. Nhà mình thích ăn chè đậu xanh đánh nhuyễn cùng chút thạch đen, trân châu và cốt dừa. Món chè đơn giản nhưng cực kỳ thơm ngon và hấp dẫn.Cách làm của mình đây nhé.
Nguyên liệu: Đậu xanh, đường kính, vani, bột năng, dừa, lá dứa, bột báng
Cách làm:
🍎Chè đậu xanh
– Đậu xanh vo sạch, bạn cho vào một cái chậu rồi đổ nước nguội hoặc nước ấm vào ngâm trong khoảng thời gian là 2 tiếng.
Trong khi ngâm bạn có thể thấy những hạt đậu nổi lên, đó là những hạt hỏng, lép không nên ăn, bạn nên vớt ra bỏ đi.
– Vớt đỗ ra rửa sạch, sau đó cho vào nồi đổ nước ngập đỗ, lượng nước nhiều hay ít là do sở thích ăn đặc hay loãng của bạn.
– Đun sôi và để nhỏ lửa cho đến khi đậu xanh chín. Lưu ý cần khuấy đều để đỗ xanh không bị dính đáy nồi. Khi đậu xanh đã chín mềm và cạn bớt nước, bạn cho đường và một chút hương vani vào rồi dùng muôi khuấy đều.
– Dùng muôi hoặc phới đánh đều tay cho đến khi đậu xanh sánh lại và đặc sệt.
– Công đoạn này khá mất thời gian và cầu kỳ nên bạn hãy chịu khó một chút nhé. Tuy nhiền, nếu ngại bạn có thể sử dụng máy xay sinh tố để xay đậu khi đậu vừa chín tới, sau đó cho đậu vào đun tiếp và đánh thêm vài phút cho nhuyễn và chín mềm.
– Chè đậu xanh đánh với phần đậu xanh cần mềm, nhuyễn, mịn, không bị sượng, có màu vàng sánh. Với món chè đậu xanh đánh này, bạn đánh đậu xanh càng nhuyễn mịn thì ăn sẽ càng ngon.
🥥Nước cốt dừa:
– Đem cùi dừa cắt nhỏ thành từng hạt hoặc có thể dùng nạo để nạo cho nhỏ cùi dừa. Bạn cắt cùi dừa càng nhỏ thì khi xay mình càng thu được nhiều nước cốt và quá trình xay cũng nhanh, dễ dàng hơn. Phần nước cốt còn được gọi là sữa dừa.
– Sau khi đã cắt nhỏ cùi dừa xong, bạn cho vào máy xay cùng nước dừa, nước sôi để nguội xay nhuyễn.
– Sau khi xay xong, dùng rây hoặc vải sạch llọc để thu lấy nước cốt, loại bỏ xác dừa.
– Cho nước cốt dừa vào nồi rồi đun trên lửa nhỏ đến khi sôi, bạn cho thêm nửa muỗng cà phê muối, chút đường vào, khuấy đều rồi tắt bếp là hoàn thành. Nhà mình thích béo ngậy nên mình có cho thêm kem wip và chút sữa đặc, chan lên chè sẽ thơm ngon hơn
🍇Cách làm chân trâu dừa
– Bột năng cho ra bát to. Đun nước sôi, đổ từ từ vào phần bột năng, vừa cho nước sôi vừa dùng muỗng đánh đều cho 1 phần bột nửa sống nửa chín.
– Lúc bột nóng, các bạn đeo găng tay và nhào thật kỹ để bột nhuyễn mịn. Lúc này bột sẽ rất dẻo và trong trạng thái nửa sống nửa chín. Lưu ý: bắt buộc phải nhào bột năng bằng nước sôi thì mới nhào được bột thành dạng bột dẻo nửa sống nửa chín để làm trân châu nhé.
– Cùi dừa tươi nạo sạch vỏ nâu, rửa sạch, cắt hạt lựu nhỏ. Tùy sở thích nhiều nhân dừa hay không có thể cắt hạt lựu to hoặc bé.
– Dùng bột năng còn đang nóng dẻo, dàn mỏng cho nhân dừa vào và vê tròn. Công đoạn này các bạn cần nặn trân châu nhanh tay khi bột còn đang ấm thì bột sẽ dẻo, dễ nặn và khi luộc trân châu không bị vỡ. Nếu để bột nguội, bột sẽ cứng, khó nặn, khi vê tròn bột không dính chặt nên luộc trân châu sẽ dễ bị vỡ, làm rơi nhân dừa ra ngoài.Trong trường hợp bột nguội, các bạn hãy cho bát bột vào lò vi sóng quay ở mức nhiệt độ trung bình trong khoảng 1 phút hoặc cho vào hấp cách thủy trong khoảng 5 phút rồi bỏ ra nhào lại cho bột dẻo.
– Đun sôi 1 nồi nước, cho trân châu vào luộc trong lửa vừa khoảng 5-7 phút tùy viên trân châu to hay bé.
– Khi trân châu nổi lên, các bạn chuẩn bị sẵn 1 bát nước lạnh, vớt trân châu thả ngay vào bát nước lạnh cho trân châu trong và săn lại.
– Bí quyết để trân châu trong và dẻo dai là bạn nên lặp lại bước luộc và ngâm trân châu vào nước lạnh 2 lần, đảm bảo trân châu sẽ trong veo, nhìn rõ nhân dừa bên trong.
– Chân trâu lá dứa làm tương tự, thay nước sôi bằng nước lá xay lá dứa (bỏ bã)
🍒Cách làm thạch sương sáo
30gr bột sương sáo đen
– 1 lít nước
– 50gr đường
– Sữa tươi hoặc nước cốt dừa
– Hương liệu thơm
– Bước 1: Bạn cho bột sương sáo và đường trộn chung trong 1 bát con.
– Bước 2: Cho bột sương sáo vừa trộn vào nồi sau đó thêm 1 chút nước, trộn thật đều cho bột sương sáo hòa tan, lúc này hỗn hợp sẽ đặc sệt.
– Bước 3: Bạn đổ nốt lượng nước còn lại vào cùng và khuấy đều, bật bếp nấu cho hỗn hợp sôi lên thì để lửa nhỏ, vừa nấu vừa khuấy đun thêm khoảng vài phút và thấy thạch sương sáo bắt đầu đặc lại thì tắt bếp, giỏ vài giọt hương liệu thơm vào cùng và khuấy đều.
– Bước 4: Nhanh tay đổ hỗn hợp ra khuôn và để cho nguội sau đó đem cất ngăn mát tủ lạnh 2-3 tiếng cho thạch đông lại.
🍎Cách luộc Bột báng
– Đầu tiên, lấy ra một cái nồi sạch, thêm một lượng nước thích hợp vào, đặt lên bếp đun. Sau khi nước sôi, cho bột báng vào nồi và nấu.
– Lưu ý rằng, bạn phải đợi cho đến khi nước sôi mới cho bột báng vào. Nếu cho bột báng vào khi nước còn lạnh chưa sôi, nó dễ dàng bị tan chảy.
– Sau khi cho vào nước, nấu bột báng trong 5 phút ở lửa lớn. Sau 5 phút, tắt bếp, đậy vung, sau đó để lửa nhỏ om trong 10 phút.
– Sau 10 phút sẽ thấy phần bên ngoài của viên bột báng đã trở nên trong suốt nhưng nhân vẫn màu trắng.
– Tiếp theo, đổ bỏ nước của nồi bột báng, thêm nước lạnh mới vào, sau đó tiếp tục đun với lửa lớn. Sau khi nước sôi, nấu bột báng trong khoảng 6 phút, sau đó tắt lửa một lần nữa và đậy nắp nồi.
– Sau khi đậy nắp nồi, chúng ta không nên bỏ bột báng ra ngay lập tức mà cứ để như vậy trong nồi 20 phút. Sau đó, mở ra sẽ thấy phần lõi trắng của viên bột báng đã mất, chúng trở nên hoàn toàn trong suốt, như vậy bột báng đã chín hoàn toàn.
– Lúc này, đổ bột báng ra vợt rồi rửa dưới vòi nước lạnh, lúc này đã có thể dùng chúng để nấu chè hoặc làm các món ăn vặt khác